Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi

07/01/2022
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi
Ngày 07/01, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác nuôi con nuôi năm 2022. Đồng chí Đặng Trần Tuấn Anh, Quyền Cục trưởng Cục Con nuôi, các Phó Cục trưởng Cục Con nuôi và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cùng dự Hội nghị.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 với những ảnh hưởng của nó đã có những tác động trực tiếp tới tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm của Cục, tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục và tập thể công chức Cục vẫn nỗ lực triển khai đồng thời các nhiệm vụ công tác, linh hoạt, chủ động trong cách thức triển khai các nhiệm vụ. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ công tác của đơn vị đã được triển khai thực hiện, bảo đảm về chất lượng và tiến độ với tỉ lệ hoàn thành đạt 100%.
 
 
Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993
Để tăng cường hiệu quả của công tác nuôi con nuôi, Cục Con nuôi đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Sau hơn 10 năm Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, Cục Con nuôi xác định việc tổng kết thi hành Luật là cần thiết.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Cục Con nuôi đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993  theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Hiện Cục đang tiến hành hoàn thiện Báo cáo toàn quốc đánh giá tình hình thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993. Có thể nhận thấy, việc tổ chức tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993 mang ý nghĩa quan trọng, giúp cơ quan có thẩm quyền có đánh giá toàn diện về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trên toàn quốc, qua đó, nhận định những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước La Hay với mục tiêu tất cả vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
 
 
Năm 2021, Cục đã tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản, đề án, báo cáo thực hiện pháp luật theo đề nghị của các đơn vị trong và ngoài Bộ. Cùng với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục cũng chú trọng vào việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi như Nghị định số 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, Thông tư số 10/2020/TT-BTP về ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi, tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03/2018/CT-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới... đồng thời, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, hoàn thiện và phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi, tiếp tục tổng hợp, xây dựng tài liệu tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác nuôi con nuôi.
Ttích cực, chủ động trong việc giải quyết cho các trẻ em tìm gia đình thay thế
Công tác giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài được giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng thời hạn quy định và chất lượng thẩm định. Đặc biệt, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam và các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi con nuôi nhưng Cục Con nuôi cùng các Sở Tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động trong việc giải quyết cho các trẻ em được nuôi dưỡng ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi nước ngoài.
 Theo số liệu thống kê năm 2021, trên toàn quốc giải quyết được 1.801 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước (giảm 1.094 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020). Về nuôi con nuôi nước ngoài, tính đến ngày 30/10/2021, Cục đã giải quyết cho 160 trẻ em làm con nuôi nước ngoài trong đó 127 trường hợp trẻ em từ cơ sở nuôi dưỡng và 33 trường hợp trẻ em từ gia đình (trẻ em thuộc diện con riêng, cháu ruột của  người nhận con nuôi). Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số lượng hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 giảm 86 trường hợp (tỷ lệ giảm là 35%).
 
Về công tác quản lý các tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, năm 2021, Cục đã hướng dẫn Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam về giải quyết việc nuôi con nuôi và những yêu cầu đối với Văn phòng Con nuôi nước ngoài, cha mẹ nuôi nước ngoài trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ ký gia hạn giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam cho 01 tổ chức của Canada (tổ chức CNNNg Sunrise) 04 tổ chức con nuôi của Tây Ban Nha (tổ chức ACI, tổ chức Adecop, tổ chức CJ, tổ chức IPI); 03 tổ chức của Hoa Kỳ (tổ chức AFC, tổ chức Dillon và tổ chức Holt). Sửa đổi giấy phép (thay đổi người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam) đối với 03 tổ chức con nuôi nước ngoài gồm tổ hức ACI-Tây Ban Nha, tổ chức AFC-Hoa Kỳ, tổ chức ACAP – I-ta-li-a.
Năm 2021, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh thực hiện và thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: duy trì trang thông tin (cả tiếng Việt và tiếng Anh), cập nhật, bổ sung để hoàn thiện việc xây dựng phần mềm, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, nâng cấp, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi... Đặc biệt, Cục đã phối hợp với Văn phòng Bộ và Cục Công nghệ thông tin để để đưa các TTHC lên cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời, Cục tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc phạm vi của Bộ Tư pháp tại cổng dịch vụ công của Bộ với mục đích tạo sự minh bạch, giúp người dân, tổ chức có nhu cầu thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực nuôi con nuôi được giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn.
Khơi thông nguồn trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Cục đã đạt, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong những kết quả chung của Bộ, ngành Tư pháp có những đóng góp quan trọng của công tác nuôi con nuôi. Thứ trưởng điểm lại một số kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc Cục đã thực hiện tốt vai trò cơ quan trung ương chịu trách nhiệm chính tổ chức 02 đợt cho các cha mẹ nuôi từ các nước châu Âu vào Việt Nam nhận bàn giao trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid đang hoành hành đã gây tiếng vang lớn trong quan hệ đối ngoại và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Bộ Tư pháp và công tác nuôi con nuôi của Việt Nam.
 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực nuôi con nuôi trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng nêu lên những trăn trở của mình như: Thể chế về công tác con nuôi bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, thiếu tính đồng bộ với các khuôn khổ pháp luật liên quan, nhất là về trẻ em, bảo trợ xã hội. Hoặc nhận thức chung của cán bộ và người dân về công tác nuôi con nuôi chưa đáp ứng yêu cầu nên vẫn còn những dấu hiệu chưa tuân thủ đúng pháp luật về nuôi con nuôi; Hay công tác phối hợp liên ngành trong công tác nuôi con nuôi chưa có chuyển biến mạnh, tạo điều kiện khơi thông nguồn trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế...
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Cục Con nuôi, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Cục cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật nuôi con nuôi và Công ước La hay về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế sau khi được Chính phủ phê duyệt; Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nuôi con nuôi ở cả Trung ương và địa phương đối với cả con nuôi trong nước và con nuôi quốc tế cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp tốt với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy và nhân sự của Cục trong bối cảnh Bộ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi, đặc biệt là hướng tới người dân để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền...
An Như – Trung tâm Thông tin