Khẳng định uy tín và vị thế Tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

06/01/2022
Khẳng định uy tín và vị thế Tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Tạp chí Dân chủ và pháp luật được tổ chức vào chiều 06/01. Đồng chí Vũ Hoài Nam - Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đồng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Hoài Nam cho biết, năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã chủ động đổi mới toàn diện trong phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đổi mới cách thức tổ chức nội dung các ấn phẩm, tổ chức xuất bản và phát hành ấn phẩm, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch công tác năm.
Nhìn lại cả năm 2021, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiếp tục duy trì tốt vị thế tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp và xứng đáng là diễn đàn trao đổi khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước. Số lượng ấn phẩm của Tạp chí được tăng lên hàng năm và là nguồn tài liệu khoa học pháp lý quan trọng được các cơ quan nhà nước và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật học đánh giá rất cao.
 

 
Các ấn phẩm tạp chí đã thể hiện khá toàn diện các lĩnh vực trọng tâm công tác tư pháp (đã phối hợp với 08 đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia phát hành nhiều số chuyên đề về các lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, pháp luật quốc tế…) và từng bước mở rộng sang những lĩnh vực pháp luật cấp thiết, vấn đề mới như số chuyên đề chuyên sâu (200 trang) về “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid – 19 tại Việt Nam” (xuất bản quý I/2021) đã cung cấp những thông tin khoa học cả về lý luận và thực tiễn pháp lý cần hoàn thiện trong lĩnh vực này; số chuyên đề “Pháp luật về hợp đồng dưới góc độ luật học so sánh” gợi mở những nội dung hoàn thiện pháp luật về hợp đồng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Đề án xây dựng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử được phê duyệt phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và đáp ứng xu thế đổi mới của báo chí trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trang thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vẫn được triển khai bài bản, đăng tải kịp thời các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước và Bộ, ngành Tư pháp; nhiều bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý đã được đăng tải thường xuyên hơn, tạo diễn đàn trao đổi khoa học sôi động, làm nền tảng cho sự phát triển Tạp chí điện tử vững chắc sau này.
Những thành tích như trên của Tạp chí là do có được sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát đúng hướng của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, sự bài bản trong điều hành của Lãnh đạo Tạp chí cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thi đua lập thành tích của tập thể cán bộ, viên chức chung tay xây dựng đơn vị vững mạnh.
Tại Hội nghị, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 của Tạp chí cụ thể như: Biên tập, phát hành 02 số/tháng các Tạp chí định kỳ 64 trang, Tạp chí chuyên đề 32 trang và tiếp tục đẩy mạnh việc biên tập, xuất bản các số chuyên đề chuyên sâu 200 trang (dự kiến 10 số chuyên đề). Nội dung các ấn phẩm bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp trong năm 2021 và các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học pháp lý nổi bật. Tiến hành xin cấp, cấp lại Giấy phép xuất bản các ấn phẩm Tạp chí. Tổ chức thực hiện Đề án “Tạp chí Dân chủ và pháp luật điện tử” đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thông tin nghiên cứu khoa học pháp lý trong giai đoạn tới. Chú trọng truyền thông về chính sách pháp luật, các sự kiện lớn có ý nghĩa chính trị - pháp lý trong nước và quốc tế. Tiếp tục mở rộng việc liên kết xuất bản các ấn phẩm tạp chí về tư pháp và pháp luật…
 

 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao những kết quả đạt được của Tạp chí Dân chủ và pháp luật trong năm 2021, Thứ trưởng cho rằng năm 2021 là một giai đoạn hết sức khó khăn do tác động của bệnh dịch Covid-19, nhưng trong khó khăn chung đó, Tạp chí Dân chủ và pháp luật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thậm chí vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tạp chí vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý như: Việc xuất bản các ấn phẩm tạp chí liên kết còn hạn chế; sự tham gia vào hoạt động truyền thông của Bộ, ngành chưa thực sự rõ nét…
Đồng tình với Kế hoạch hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của Tạp chí Dân chủ và pháp luật đề ra năm 2022, Thứ trưởng nhấn mạnh: Để trở thành Tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp cần có sự nỗ lực, đổi mới ngay từ đầu năm, trong đó cần nghiên cứu mở rộng đối tượng bạn đọc gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử”. Thứ trưởng lưu ý đến vấn đề số hoá tờ Tạp chí, bởi theo Thứ trưởng, đây là thời cơ để mở rộng đối tượng bạn đọc. Cùng với đó, phải định hướng việc phát triển nội dung, hình thức của Tạp chí, vừa mang màu sắc của Tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, là cơ quan ngôn luận trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận, khoa học pháp lý của ngành Tư pháp để thực hiện trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của tờ Tạp chí đầu ngành về pháp luật…