Tọa đàm Xây dựng Hệ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

04/07/2012
Tọa đàm Xây dựng Hệ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Ngày 29/6, Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng Hệ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại tỉnh Quảng Bình với mục đích tham khảo ý kiến các chuyên gia, ý kiến của các ban, ngành ở địa phương để phục vụ việc xây dựng Hệ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật. Tọa đàm do Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ  chủ trì.

Tham dự Tọa đàm có đồng chí Trần Văn Tuân - Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Văn phòng UBND các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số chuyên gia.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ cho rằng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào toàn diện để đánh giá đúng hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) ở từng Bộ, ngành và địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch và giao cho Cục bồi thường nhà nước chủ trì xây dựng Hệ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả của việc đưa Luật vào cuộc sống. Đây là một công tác mới và khó vì vậy, các cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như ý kiến của các cơ quan ở trung ương và địa phương.

 

 

 

Trao đổi tại Tọa đàm, các chuyên gia và đại biểu đều thống nhất cho rằng việc xây dựng Hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN là rất cần thiết. Hệ tiêu chí phải đánh giá được Luật có thực sự khả thi trên thực tế hay không, các tiêu chí được xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu là tính được các chi phí chi cho việc thực hiện pháp luật cần bao nhiêu là đủ, bởi lẽ hiệu quả của một chính sách là phải đánh giá được các chi phí bỏ ra phải nhỏ hơn kết quả mà Luật mang lại. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải đánh giá cơ chế bảo đảm thi hành pháp luật thông qua việc thường xuyên, liên tục, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật.

Kết luận tại Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ chỉ đạo: xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN rất khó khăn và đòi hỏi cần thực hiện một cách bài bản, công phu. Trên cơ sở các ý góp ý tại Tọa đàm cần tiếp tục tổ chức các hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Hệ tiêu chí. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến của các Sở Tư pháp trên toàn quốc, sau đó sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia để sớm hoàn thiện Dự thảo Hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN trình Bộ trưởng ban hành.

Hải Yến