Hội thảo kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

26/06/2012
Hội thảo kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Đối thoại Chiến lược tại Việt Nam do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ Đối thoại Chiến lược tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” trong 2 ngày 21 và 22/6 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện các Sở Tư pháp và Tòa án một số tỉnh phía Bắc, đại biểu đến từ các trường đại học giảng dạy về luật và các đại biểu đến từ các bộ, ngành khác.

Hội thảo đã được nghe chuyên gia đến từ châu Âu (Viện Quyền con người Đan Mạch) trình bày về những công cụ bảo vệ nhân quyền ở châu Âu như Công ước nhân quyền của Liên minh châu Âu, các thiết chế nhân quyền khu vực của châu Âu (Tòa án nhân quyền châu Âu) và kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia nhằm thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền. Các bài trình bày đã đem lại một cái nhìn tổng quan về cơ chế và thiết chế bảo vệ nhân quyền của EU. Đây là những thiết chế và cơ chế hữu ích trong việc bảo vệ nhân quyền, trao quyền cho các quốc gia và cá nhân được khiếu nại lên Tòa án nhân quyền châu Âu khi có sự vi phạm các công ước về nhân quyền của EU. Bên cạnh đó, các chuyên gia EU cũng đã cho thấy những mặt hạn chế của các cơ chế và thiết chế bảo vệ nhân quyền ở châu Âu như có quá nhiều cơ quan liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền nên dẫn đến việc chồng chéo về mặt chức năng, các quốc gia thành viên EU đến từ các nước có truyền thống pháp luật khác nhau nên khó tìm được tiếng nói chung, số vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết tại Tòa án nhân quyền châu Âu là tương đối nhiều do có số lượng quá lớn và thiếu nguồn lực cần thiết…

Bên cạnh các nội dung về kinh nghiệm của châu Âu về nhân quyền, Hội thảo cũng nghe phần trình bày của các diễn giả Việt Nam về các nội dung như: Việt Nam với các công ước quốc tế về quyền con người, giảng dạy pháp luật về quyền con người ở Việt Nam, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới, kinh nghiệm soạn thảo và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về chống phân biệt chủng tộc, trợ giúp pháp lý và quyền tiếp cận công lý của các đối tượng yếu thế trong xã hội ở Quảng Ninh. Những nội dung này đã đem lại một bức tranh tổng thể về công tác bảo vệ nhân quyền của Việt Nam từ việc tham gia vào các điều ước quốc tế về quyền con người cho đến các công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người; bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện nghĩa vụ báo cáo của quốc gia thành viên đối với các công ước về nhân quyền,…

Hội thảo là một cơ hội quý báu để trao đổi và thảo luận về các vấn đề nhân quyền từ châu Âu cho đến Việt Nam, từ cấp độ trung ương cho đến cấp độ địa phương.

Phòng Công pháp quốc tế và các vấn đề về Nhân quyền - Vụ Pháp luật quốc tế