Bộ Tư pháp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cán bộ

26/06/2012
Bộ Tư pháp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cán bộ
Ngày 26/6, Bộ Tư pháp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cán bộ cho đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác cán bộ tại các đơn vị thuộc Bộ.

Trình bày một chuyên đề quan trọng về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và một số nội dung mới về công tác cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Trần Văn Quảng cho biết, hiện cơ quan Bộ Tư pháp có 114 cán bộ cấp Vụ và tương đương, hơn 170 cán bộ cấp Phòng và tương đương nên làm tốt công tác cán bộ là rất quan trọng để Bộ, ngành Tư pháp gặt hái được nhiều thành quả, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước. Ông Quảng khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đưa ra nhiều chỉ đạo, định hướng lớn với nhiều nội dung cải cách, đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá cán bộ, công chức; đổi mới nhiều nội dung trong công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

 

 

Ông Quảng đặc biệt nhấn mạnh đến sự nhạy cảm, tầm ảnh hưởng của việc đánh giá cán bộ, công chức đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ và những chủ trương mới trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm (những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác), thí điểm giao quyền cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó… Đây đều là những nội dung “dễ đụng chạm” đến danh dự, lợi ích, quan hệ xã hội nên đòi hỏi người lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị cao, có bản lĩnh, trí tuệ để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, nhất là trong công tác cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp.

 

 

Một trong những vấn đề đang được rất nhiều cán bộ, công chức, người lao động quan tâm là quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý. Có thể nói, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của Bộ Tư pháp hiện rất rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Tuy nhiên, qua theo dõi, Vụ Tổ chức cán bộ nhận thấy bất cập trong quá trình bổ nhiệm chính là nhiều công chức lâu năm không có cơ hội bổ nhiệm vị trí lãnh đạo vì tình trạng “cát cứ” trong khâu quy hoạch, tức là chỉ quy hoạch vị trí lãnh đạo tại đơn vị mà họ công tác, chứ không được quy hoạch ở những đơn vị khác.

Ngoài ra, ông Quảng còn lưu ý một số điểm trong bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý. Đó là công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 5 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm (thông thường là 5 năm/ lần bổ nhiệm) được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 2 năm công tác, cơ quan quản lý công chức xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.

 

 

Trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng, nhiều chuyên đề khác cũng được chuyên gia của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ trình bày và giải đáp những câu hỏi của các học viên. Chẳng hạn, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Phan Thị Hồng Hà nói về quản lý lao động tại các đơn vị, chế độ, chính sách cán bộ; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lượng trình bày chuyên đề Xác định và quản lý vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập…

Lớp bồi dưỡng sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/6.

Cẩm Vân


Cục CNTT