Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Quản lý lý lịch tư pháp

02/07/2012
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Quản lý lý lịch tư pháp
Trong khuôn khổ Chương trình đối thoại Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2012-2014, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo “Quản lý lý lịch tư pháp” tại Hà Nội trong 02 ngày 28 – 29/6/2012. Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Bellmann, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, bà Nicole Schroedel, đại diện Quỹ IRZ tại Việt Nam, ông Peter Christensen, chuyên gia về lý lịch tư pháp của Cộng hòa Liên bang Đức, đại diện một số Bộ, ngành có liên quan, đại diện Sở Tư pháp, Tòa án, Công an một số tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tham khảo, học tập kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức về xây dựng, phát triển cơ quan quản lý lý lịch tư pháp; kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp. Đồng thời, các chuyên gia cùng các đại biểu các Bộ, ngành, địa phương sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo diễn ra sôi nổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, khách quan, phát huy tinh thần trách nhiệm cao với công tác lý lịch tư pháp. Các đại biểu đã được nghe chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam trình bày về các vấn đề như: pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức về xây dựng, phát triển cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; quá trình xây dựng, kiện toàn cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Việt Nam; thực tiễn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp của Cộng hòa liên bang Đức và thực tiễn đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp tại Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức trong quá trình xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức mà Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng vào quản lý lý lịch tư pháp, đặc biệt trong xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác, lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong quản lý lý lịch tư pháp hiện nay.

 

 

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung cơ bản mang tính định hướng trong việc quản lý lý lịch tư pháp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo còn giành một ngày thảo luận chuyên sâu, tham gia ý kiến về một số văn bản, đề án do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang chủ trì xây dựng như Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, các dự thảo Đề cương Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và dữ liệu điện tử.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia ghi nhận những kết quả tốt đẹp sau 02 ngày làm việc của Hội thảo. Đồng chí cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới ngài chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức, sự hỗ trợ của Quỹ IRZ và toàn thể các đại biểu tới tham dự đã có những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu tại Hội thảo. Tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm đã được lắng nghe từ phía chuyên gia CHLB Đức, cũng như các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tại Hội thảo sẽ góp phần triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác lý lịch tư pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia