Thứ trưởng Lê Thành Long cho biết, định hướng lớn trong việc soạn thảo LTĐ quan trọng nhất là phải thể chế hóa một trong những nội dung rất quan trọng Nghị quyết TƯ 11 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thủ đô giai đoạn 2011- 2020, trong đó có việc ban hành Luật Thủ đô để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm “Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Trong những đặc thù của việc quản lý Thủ đô, vấn đề rất quan trọng là quản lý dân cư. Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong hoàn cảnh các điều kiện về kinh tế- xã hội và quy hoạch thuần túy chưa thể xử lý được sự tăng dân số cơ học của Hà Nội, Thứ trưởng Lê Thành Long khẳng định, “trước mắt thì cùng với các biện pháp về kinh tế xã hội như xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giãn dân ra ngoại thành di chuyển 1 số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành, các trường Đại học ra ngoại thành, cùng với các biện pháp để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thì cũng cần phải áp dụng 1 số biện pháp về hành chính mang tính chất tạm thời để xử lý việc đăng ký thường trú ở nội thành đối với 1 số đối tượng theo khoản 1 điều 20 Luật Cư trú”.
Vì vậy, giải pháp cho “bài toán” về dân cư và điều kiện hạ tầng, phát triển của Hà Nội - vốn đang khiến các nhà quản lý và chính quyền TP đau đầu và xuất phát từ đặc thù của Thủ đô, là quy định tại điều 21 dự thảo Luật Thủ đô về điều kiện để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội gồm: có chỗ ở hợp pháp, tạm trú liên tục từ 03 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Ngoài ra, điều kiện “có việc làm ổn định hoặc thu nhập hợp pháp” cũng đang được tính đến để bảo đảm sự chặt chẽ.
Tuy vẫn có những lo ngại, các quy định này sẽ hạn chế quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp, hoặc biến Hà Nội thành “nơi ở chỉ dành cho người giàu”, nhưng theo đánh giá tổng quan của Bộ Tư pháp và UBND TP.Hà Nội, những quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Đa số các ý kiến đều cho rằng, quy định này là “hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô” vì “đô thị vốn là cơ cấu quản lý hành chính đặc thù, Hà Nội lại là đô thị đặc thù nên dứt khoát phải có cơ chế, chính sách đặc thù để quản lý, trong đó các điều kiện về quản lý dân cư” – ông Nguyễn Bá Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà nẵng) khẳng định cùng với việc so sánh kinh nghiệm của TP.Đà Nẵng trong việc thực thi Nghị quyết 23 của HĐND TP về vấn đề tương tự.
Các chuyên gia đồng tình với quan điểm của dự thảo Luật Thủ đô đều cho rằng, quy định điều kiện đăng ký thường trú không phải là hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, mà chỉ là biện pháp hành chính để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và công tác quản lý nhà nước, cũng như các quyền sống khác của người dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc phải phát triển đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số cho nội đô, có chính sách khuyến khích di cư chủ động đối với các đối tượng là nhân tài, lao động có trình độ cao, đầu tư tạo việc làm… Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Belarrus… đang áp dụng thành công.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an) cho biết, qua thực tiễn thực hiện Điều 20 Luật Cư trú (về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc TƯ), nâng cao hơn nữa, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú, định hướng sửa đổi Điều 20 sẽ có 1 khoản quy định về đăng ký thường trú tại các quận nội thành của TP.Hà Nội với các điều kiện: có chỗ ở hợp pháp (nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài), tạm trú liên tục tại chỗ đó 2 năm trở lên và đảm bảo diện tíc mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.
Như vậy, với quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội trong Luật Thủ đô và định hướng sửa đổi Luật Cư trú có điểm tương đồng, hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt hơn việc nhập cư, giảm bớt mật độ dân số ở nội đô, tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn Thủ đô có thể tiếp cận các dịch vụ công một cách công bẳng, bảo đảm môi trường sống có chất lượng tốt hơn về mọi mặt và để Thủ đô Hà Nội phát triển ổn định, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị trí là đô thị trung tâm, đầu não của cả nước.
H.Giang