Tình hình phát triển của con nuôi trong nước, tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ

04/02/2023
Tình hình phát triển của con nuôi trong nước, tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ
Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-BTP ngày 18/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Con nuôi, Quyết định số 65/QĐ-CCN ngày 08/02/2022 của Cục trưởng Cục Con nuôi phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các đoàn kiểm tra, tập huấn của Cục Con nuôi tại địa phương năm 2023, trong các ngày 21, 22/02/2023, Cục Con nuôi tổ chức đoàn công tác đánh giá tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ nuôi con nuôi tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ.
Tại mỗi địa phương, Đoàn công tác do đồng chí Phạm Thị Kim Anh, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi làm Trưởng đoàn, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ giải quyết nuôi con nuôi nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn gặp phải trong công tác nuôi con nuôi trong nước của một số xã/phường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc và thành phố Việt Trì, Phú Thọ, thăm một số gia đình cha mẹ nuôi qua đó đánh giá tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước. Đồng thời, đoàn có buổi làm việc liên ngành với đại diện Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.


Thông qua công tác kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước tại hai địa phương, Đoàn đã kết hợp trao đổi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước do các Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp nêu trong buổi kiểm tra, qua đó giúp cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tham dự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nhằm bảo đảm việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước tuân thủ các quy định về thẩm quyền, thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện và biểu mẫu.

Về tình hình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, qua báo cáo của Sở Tư pháp, trao đổi của các cơ quan, ban ngành liên quan tại địa phương cho thấy Phú Thọ và Vĩnh Phúc là những địa phương đã tham gia vào công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2022, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết được 17 trường hợp (12 trường hợp thuộc diện con riêng/cháu ruột, 02 trường hợp trẻ em từ cơ sở nuôi dưỡng), tỉnh Phú Thọ giải quyết được 72 trường hợp (33 trường hợp thuộc diện con riêng/cháu ruột, 39 trường hợp trẻ em từ cơ sở nuôi dưỡng). Nhìn chung, việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài được thực hiện đúng quy định.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các cơ quan, ban ngành của địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nuôi con nuôi, đặc biệt chú trọng công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế phù hợp cho các trẻ em, tránh để các trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng. Trong công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước cần phải chú trọng nguyên tắc ưu tiên cho trẻ em sống trong môi trường gia đình gốc.  Đồng thời, qua công tác kiểm tra, Đoàn đã lắng nghe, trao đổi về những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thi hành pháp luật nuôi con nuôi để phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Theo chương trình làm việc, đoàn công tác đã đến 04 gia đình nhận con nuôi trong nước tại hai tỉnh để kiểm tra tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước. Theo báo cáo của cha mẹ nuôi, về cơ bản, các cháu phát triển tốt về thể chất, có mối quan hệ gắn bó với các thành viên trong gia đình, cha mẹ nuôi và các thành viên trong gia đình hết sức yêu thương các cháu. Khi tiếp xúc với đoàn công tác, các cháu thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và lễ phép. Tuy nhiên, việc tiết lộ thông tin về nuôi con nuôi vẫn còn dè dặt nhằm bảo đảm cho trẻ em không mặc cảm với việc mình được nhận làm con nuôi.

Kết thúc chuyến công tác, các địa phương đánh giá cao cách thức làm việc của đoàn và mong muốn Cục Con nuôi tăng cường tổ chức hoạt động hướng dẫn và kiểm tra nghiệp vụ tại địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, đồng thời nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức - tư pháp hộ tịch cấp xã, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương./.