Hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu liên quan đến CMCN lần thứ tư

12/11/2021
Hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu liên quan đến CMCN lần thứ tư
Ngày 11 – 12/11/2021, Bộ Tư pháp (được sự hỗ trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về rà soát, hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề có liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hội thảo do bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Michael Siegner, Trưởng đại diện tổ chức HSF tại Việt Nam và ông Tarek Hassan, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số GIZ chủ trì.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu V-Resort, Hoà Bình với sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Công ty Ví MOMO, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Công ty Luật Baker & McKenzie,... Đồng thời, Hội thảo có sự tham dự đông đảo thông qua hình thức trực tuyến của các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu… và các diễn giả là các chuyên gia của CHLB Đức.
Ngày thứ nhất của Hội thảo (11/11/2021), các đại biểu được nghe TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông; bà Hoàng Thảo Anh & bà Đồng Thị Huyền Nga, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; ông Nguyễn Tuấn Linh, Công ty Luật Baker & McKenzie; ông Christian Pieper - Chuyên viên cao cấp, Vụ Chính sách Châu Âu, Bộ Tư pháp vì dân chủ, các vấn đề châu Âu và bình đẳng Giới bang Sachsen, CHLB Đức trình bày các bài tham luận về Tiền số pháp định, xu thế tất yếu; Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam; Cách mạng công nghiệp 4.0 và thách thức đối với pháp luật sở hữu trí tuệ; Pháp luật về tài sản mã hoá của Đức; Thách thức trong việc thực hiện pháp luật về tài sản mã hoá tại Đức - So sánh với Thuỵ Sĩ và Liechtenstein.
Ngày thứ hai của Hội thảo (11/11/2021), các đại biểu tiếp tục được nghe bài tham luận của các chuyên gia: Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Ngô Văn Đức, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Cao Xuân Phong, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; GS. TS. Roberto Zicari, Giáo sư Chương trình Yrkeshoegskolan Arcada, Helsinki, Phần Lan & Giáo sư cao học Khoa học Dữ liệu, Đại học Quốc gia Seoul, Seoul, Hàn Quốc và Ông Christian Pieper - Chuyên viên cao cấp, Vụ Chính sách Châu Âu, Bộ Tư pháp vì dân chủ, các vấn đề châu Âu và bình đẳng Giới bang Sachsen, CHLB Đức...
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến pháp luật điều chỉnh tiền số pháp định; hợp đồng thông minh, tài sản ảo, tài sản mã hoá; cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; giao dịch điện tử, khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech, giải quyết tranh chấp… tại Việt Nam cũng như pháp luật và vấn đề thực thi trên thực tế các quy định về tài sản mã hoá, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát tại CHLB Đức nói riêng và Châu Âu nói chung...
Kết thúc 02 ngày Hội thảo, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Tổ chức HSF, Dự án GIZ và sự tham dự của các chuyên gia, các đại biểu và hy vọng rằng Tổ chức HSF, Dự án GIZ cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện khung chính sách pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.