Hướng dẫn kỹ thuật về quy trình giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS

10/11/2021
Hướng dẫn kỹ thuật về quy trình giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS
Ngày 09/11, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo “Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quy trình giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. Về phía UNICEF có bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam.
Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về sinh lý, tâm lý, còn hạn chế về nhận thức và chưa có khả năng đánh giá đúng sự việc. Vì vậy, việc người dưới 18 tuổi phạm tội là do chưa nhận thức được đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, cũng như không lường hết được hậu quả có thể xảy ra. Do đó, vấn đề trách nhiệm hình sự đặt ra đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng khác so với người đã thành niên phạm tội.
Trong thời gian qua, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật đã được sửa đổi hoặc ban hành theo hướng tăng cường giám sát, giáo dục tại cộng đồng, hạn chế áp dụng các chế tài giam giữ. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 91), đồng thời, bổ sung một mục quy định về 03 biện pháp giám sát, giáo dục bao gồm khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn với các nghĩa vụ cụ thể mà người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự phải thực hiện tại cộng đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự, trong đó xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành, cá nhân trực tiếp giám sát, giáo dục, các biện pháp can thiệp, phòng ngừa, phục hồi NCTN tại cộng đồng cũng như vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong quá trình giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, Luật trẻ em năm 2016 yêu cầu áp dụng các biện pháp hỗ trợ và can thiệp đối với trẻ em vi phạm pháp luật bị xử lý bằng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, như chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần, hỗ trợ tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác, đoàn tụ gia đình (Điều 71).
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu (với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP), Bộ Tư pháp đã thuê tuyển chuyên gia biên soạn Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quy trình giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Nội dung của Tài liệu này được biên soạn trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành nhằm trang bị cho cán bộ trực tiếp giám sát, giáo dục cấp xã kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, các bước của quy trình đánh giá và quản lý trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Để làm cơ sở cho các chuyên gia hoàn thiện dự thảo Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nêu trên, ngày 09/11/2021, tại Khách sạn ADONIS - Số 55 Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của các cơ quan đối với dự thảo Tài liệu.
Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan cơ quan, bộ, ngành, địa phương: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Học viện Thanh thiếu niên, Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, phường trên địa bàn Hà Nội: Ba Đình, Minh Khai, Bách Khoa và đại diện mộ số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Cục Quản lý XLVPHC & Theo dõi THPL, Vụ Hợp tác quốc tế...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Tài liệu. Các đại biểu đánh giá cao nội dung, ý nghĩa của Tài liệu trong việc hướng dẫn thi hành pháp luật cho các cán bộ trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự tại địa phương. Đồng thời, các đại biểu đề nghị các chuyên gia nghiên cứu xây dựng Tài liệu tập huấn chuyên sâu dành cho cán bộ làm công tác thực tiễn trong việc giám sát, quản lý người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và mở rộng phạm vi hướng dẫn của tài liệu đối với một số trường hợp giám sát, giáo dục khác như người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản lý tại gia đình; người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù được hưởng án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện. Những ý đóng góp của đại biểu sẽ được Bộ Tư pháp, chuyên gia xây dựng tài liệu nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Tài liệu./.