Nhà xuất bản Tư pháp được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận Nhà xuất bản quốc gia có uy tín

12/11/2021
Ngày 08/11/2021, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN. Theo đó, bên cạnh Nhà xuất bản thuộc 500 trường đại học xếp hạng theo QS Rankings hàng năm thì Nhà xuất bản Tư pháp cùng với 05 nhà xuất bản khác (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Khoa học xã hội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Thành phố Hồ Chí Minh; Công an nhân dân) được công nhận là các nhà xuất bản quốc gia có uy tín.
Việc Nhà xuất bản Tư pháp được công nhận là một trong số các nhà xuất bản quốc gia có uy tín đã thể hiện sự ghi nhận, đánh giá khách quan của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, của giới khoa học, nghiên cứu nước ta đối với chất lượng các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín mà Nhà xuất bản Tư pháp đã dày công vun đắp, xây dựng trong thời gian qua với thể loại các xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực pháp luật, lý luận, chính trị.
Trong bối cảnh Nhà xuất bản Tư pháp đang tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Quyết định số 1396/QĐ-BTP ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu học tập sách lý luận, chính trị[1] thì sự công nhận của Hội đồng Giáo sư Nhà nước càng khẳng định Nhà xuất bản Tư pháp có đủ uy tín, ưu thế, điều kiện để tiếp tục đưa công tác xuất bản, phát hành sách pháp luật, lý luận, chính trị đạt được những bước phát triển mới, góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm khoa học về nhà nước và pháp luật, đặc biệt là các khía cạnh của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa, cũng như góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước./.
Tổ Quản lý website Nhà xuất bản Tư pháp
 
[1] Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư nêu rõ cần “rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị, khắc phục tình trạng chồng chéo và kém hiệu quả. Có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành...”.