Công ước Singapore hay Công ước Singapore về hoà giải có tên đầy đủ là Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 20/12/2018, có hiệu lực từ ngày 12/9/2020 với 54 quốc gia đã ký và 7 quốc gia thành viên[1] gồm: Belarus, Ecuador, Fiji, Singapore, Qatar, Saudi Arabia và mới đây nhất là Honduras. Sau khi Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, đánh giá các nội dung của Công ước và khả năng ký kết, gia nhập của Việt Nam[2]. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án khu vực của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh công bằng và xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, các chuyên gia độc lập đã xây dựng Báo cáo đánh giá khả năng tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (Công ước Singapore) của Việt Nam. Báo cáo là một trong những nguồn tài liệu tham khảo của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, ngày 3/9/2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án tổ chức Hội thảo tham vấn theo phương thức trực tuyến. Tham dự Hội thảo có gần một trăm đại biểu là đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các trung tâm hòa giải, trung tâm trọng tài, luật sư, giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Tiến sĩ Dalma Demeter chuyên gia nước ngoài độc lập của Dự án.
Số lượng đại biểu đông đảo và không khí tham gia sôi nổi trước thềm Tuần lễ Công ước Singapore dự kiến tổ chức từ ngày 6-10/9/2021 tại Singapore
[3] cho thấy sự quan tâm rất lớn của cả giới học thuật, những người hoạt động thực tiễn và cả những nhà làm chính sách của Việt Nam đối với Công ước còn rất mới này.
Báo cáo gồm 5 phần (Giới thiệu Nội dung Công ước, Tổng quan kinh nghiệm nước ngoài, Pháp luật và thực tiễn Việt Nam, Đánh giá đề xuất kiến nghị).
Báo cáo đã giới thiệu về hoàn cảnh ra đời và các nội dung chính của Công ước Singapore. Công ước Singapore được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 20/12/2018, bao gồm 16 Điều điều chỉnh phạm vi áp dụng, nguyên tắc chung và định nghĩa, các điều kiện để thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn hoặc thi hành, các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu từ chối trợ giúp… Bên cạnh đó, Công ước cũng có quy định rõ cơ chế để gia nhập, bảo lưu và bãi ước.
Trên nền kết cấu của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Công ước Singapore đã được xây dựng với nhiều điểm tương đồng về mục tiêu, nguyên lý, cách thức tiếp cận củng cố ủng hộ việc thi hành, cơ chế đơn giản, không xem xét lại về mặt nội dung nhằm hiện thực hóa kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp ở khâu cuối cùng. Một số điểm khác biệt trong căn cứ để từ chối do tính chất của hòa giải khác biệt so với trọng tài hoặc bảo lưu để tạo ra sự mềm dẻo trong áp dụng Công ước Singapore… cũng đã được các đại biểu trình bày và thảo luận.
So sánh với pháp luật Việt Nam, nhiều khái niệm trong Công ước Singapore đã tương thích nhưng cơ chế cụ thể để cung cấp trợ giúp (công nhận hiệu lực pháp lý và thi hành kết quả hòa giải hoặc cho phép viện dẫn kết quả hòa giải để chứng minh tranh chấp đã được giải quyết) như Công ước thì pháp luật trong nước chưa quy định.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa bao quát các trường hợp kết quả hòa giải có tính chất “quốc tế” như quy định trong Công ước, đòi hỏi việc gia nhập phải sửa đổi các quy định pháp luật trong những văn bản nêu trên. Có những vấn đề Công ước Singapore không điều chỉnh liên quan đến tố tụng của tòa án hoặc thủ tục, tiêu chuẩn hòa giải như việc không tính thời gian hòa giải vào thời hiệu khởi kiện tại Tòa án, tiêu chuẩn chuẩn mực đạo đức của hòa giải viên, việc miễn trách nhiệm cho hòa giải viên… lại trở thành yếu tố quan trọng pháp luật trong nước cần quy định để khuyến khích việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải nói chung và tạo điều kiện cho việc áp dụng Công ước Singapore nói riêng.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy sự phát triển của hòa giải thương mại hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ tiềm năng, chưa tương xứng với số lượng các tranh chấp có thể phát sinh. Kể từ sau khi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/4/2017, tính đến thời điểm hiện nay đã có 15 trung tâm hoà giải được thành lập, 07 trung tâm trọng tài được thực hiện hoạt động hòa giải và hơn 100 hoà giải viên vụ việc. Tổng hợp số liệu các vụ việc tranh chấp thương mại được các trung tâm tiếp nhận tính đến hết tháng 12/2020 còn khiêm tốn, trong tổng số 27 vụ việc hòa giải có 11 vụ hoà giải thành, các vụ việc còn lại phần lớn là các bên rút yêu cầu hoặc không đồng ý tham gia hòa giải. Quy mô nhỏ của thị trường hòa giải và những khoảng trống trong hệ thống pháp luật dẫn đến hai luồng quan điểm trái ngược nhau, một số cho rằng thị trường hòa giải còn quá nhỏ để các nhà hoạch định chính sách lưu tâm, hòa giải chưa nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, cần phải sửa đổi quy định pháp luật nên cần tính toán cẩn trọng việc tham gia Công ước, một số lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng muốn thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, mạnh và kêu gọi thu hút doanh nghiệp sử dụng phương thức hòa giải cần tập trung hoàn thiện thể chế để sớm tham gia Công ước.
Trước những luồng quan điểm này, các đại biểu và chuyên gia quốc tế đã chia sẻ góc nhìn từ kinh nghiệm của các nước khác nhau. Cho dù số lượng các nước phê chuẩn, gia nhập Công ước chưa nhiều nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian khi cân nhắc đến các lợi ích mà Công ước mang lại so với chi phí bỏ ra để sửa đổi quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và tổ chức thực thi. Những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chưa phê chuẩn, tham gia Công ước do gặp phải các vấn đề liên quan đến thủ tục nội bộ về ký kết, thực thi điều ước quốc tế chứ không phải liên quan đến nội dung Công ước này.
Đến nay, chưa có số liệu về việc áp dụng Công ước trong việc công nhận thoả thuận hoà giải, do Công ước mới có hiệu lực và bản chất của hòa giải là tự nguyện thi hành nên các bên khi đã thỏa mãn với giải pháp do chính mình đề ra không cần đến sức mạnh cưỡng chế từ các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, cũng có những nhận định rằng Công ước chỉ có sức mạnh tinh thần hơn là ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, Công ước được coi là “lưới đỡ an toàn” sẽ tạo niềm tin cho các bên khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và niềm tin đó sẽ thúc đẩy các quyết định đầu tư kinh doanh thương mại quốc tế.
Trên cơ sở đánh giá các khía cạnh pháp lý và thực tiễn, một loạt các khuyến nghị về hoàn thiện pháp luật, củng cố năng lực cho các thẩm phán, hòa giải viên và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã được đề xuất trong Báo cáo đã được các đại biểu bổ sung, hoàn thiện thêm. Nhiều ý kiến ủng hộ việc nâng cấp Nghị định số 22/2007/NĐ-CP thành một luật riêng hoặc thậm chí xây dựng luật riêng để thực thi Công ước Singapore như kinh nghiệm của chính Singapore - quốc gia đầu tiên phê chuẩn và sửa đổi pháp luật để thực thi Công ước.
Mặc dù đều xác định rằng vẫn còn nhiều công việc cần tiếp tục triển khai để trong thời gian tới như cần đánh giá tác động toàn diện của việc gia nhập Công ước, tính toán các chi phí lợi ích, tìm hiểu kỹ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp… nhưng các đại biểu đều thống nhất cao rằng Việt Nam nên gia nhập Công ước với lộ trình phù hợp để tận dụng được những cơ hội mà Công ước mang lại. Các đại biểu đánh giá rất cao Hội thảo và cho rằng Báo cáo và Hội thảo đã làm được nhiều hơn những gì mà một tài liệu nghiên cứu và một cuộc trao đổi từ xa có thể làm trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang diễn ra. Chúng kết nối những con người tâm huyết muốn cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam theo hướng tốt đẹp hơn, thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các đại biểu đều bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Bộ Tư pháp trong các hoạt động tiếp theo tiến đến mục tiêu Việt Nam sớm gia nhập Công ước.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.
[1] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXII-4&chapter=22&clang=_en (truy cập ngày 5/9/2021)
[2] Công văn số 6067/VPCP-QHQT ngày 9/7/2019
[3] https://www.singaporeconventionweek.sg/ (truy cập ngày 5/9/2021)