Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện nay có 30 tổ chức tín dụng, trước bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng lên. Trước tình hình đó, số vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng tăng nhanh, số tiền phải thi hành án lớn, tạo ra áp lực cho cơ quan THADS và Chấp hành viên.
Hàng năm, Chi cục THADS TP. Thái Nguyên phải thụ lý thi hành số lượng các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng tương đối lớn, từ đầu năm 2021 đến nay phải thụ lý thi hành 68 việc, trên 130 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành án là 37 việc tương ứng trên 65 tỷ đồng. Đã giải quyết xong 07 việc thu được số tiền trên 45 tỷ đồng trong tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành. Có được kết quả như trên là do được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương, sự nỗ lực của tập thể cán bộ Chấp hành viên ở Chi cục. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Cục THADS tỉnh Thái Nguyên, hàng năm phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phối hợp kịp thời với các cơ quan THADS.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng, điển hình như:
Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo của tài sản thế chấp của bên thứ ba trong Hợp đồng tín dụng; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và chậm giải thích bản án, quyết định đã tuyên; không phân định rõ được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án. Ví dụ: Tài sản thế chấp ô tô, bên có tài sản đã cất giấu tài sản, đến giai đoạn THA cơ quan THADS gặp khó khăn do không truy tìm được tài sản hoặc chậm có kết quả; Tài sản là Quyền sử dụng đất, khi xét xử Tòa án chỉ căn cứ hợp đồng thế chấp để xét xử, không xác minh kiểm tra thực tế, đến giai đoạn thi hành án, xác minh tài sản thì diện tích đất thực tế lớn hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi thế chấp chỉ có nhà 01 tầng nhưng đến thời điểm xử lý tài sản đảm bảo thi hành án đã xây thêm 4 hoặc 5 tầng; Diện tích các thửa đất bị chồng lấn; Nhà xây chồng lấn trên nhiều thửa đất...
Việc ký hợp đồng thẩm định giá (Điều 98 Luật THADS và Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/ 2015 của Chính phủ) Chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên đã làm hạn chế cơ hội lựa chọn được tổ chức định giá có đủ uy tín, năng lực để thực hiện định giá tài sản, dẫn đến chất lượng thẩm định giá chưa cao, việc bán đấu giá tài sản không thành phải giảm giá nhiều lần khá phổ biến dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài; Cơ quan đăng ký tài sản cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người trúng đấu giá thường rất chậm, nhiều thủ tục rườm rà, gây tâm lý cho nhiều khách hàng không tham gia đấu giá tài sản kê biên để thi hành án; ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức chưa cao.
Mặt khác, công tác phối hợp giữa một số tổ chức tín dụng với cơ quan THADS chưa thực sự hiệu quả, đa số các Ngân hàng TMCP có Hội sở chính và Trung tâm thu hồi nợ đóng trên địa bàn khác như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nên việc thu hồi nợ do Hội sở chính quyết định, cán bộ được các tổ chức tín dụng ủy quyền trực tiếp làm việc với Chấp hành viên, cơ quan THADS, đa số chỉ tham gia nhận giấy tờ, nghe yêu cầu của Chấp hành viên, nghe ý kiến của người phải thi hành án, sau đó báo cáo lại cấp trên để quyết định
, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.
Để nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản cho tổ chức tín dụng, trong thời gian tới Chi cục THADS sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Lãnh đạo Chi cục thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo Chấp hành viên bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết từng vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm các vụ việc. Chấp hành viên cần phải nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật; xây dựng Kế hoạch chi tiết từ khâu xác minh điều kiện thi hành án, đến việc lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,… đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trong việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm đảm bảo hiệu quả. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo giải quyết.
- Đề nghị các tổ chức tín dụng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá đúng và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trên thực tế; trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành); Có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo trong việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan THADS, để nâng cao kết quả thi hành án tín dụng, như tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc xác minh, tổ chức thi hành án, giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; có giải pháp giải quyết án tồn đọng như nhận tài sản để thi hành án nếu tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần; có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định như có cơ chế miễn, giảm lãi suất cho người phải thi hành án…để tạo điều kiện hành án dứt điểm vụ việc.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tiếp tục nâng cao chất lượng Bản án, xác minh thẩm định tài sản thế chấp tại thực địa chính xác, phân định rõ từng tài sản thế chấp phải bảo đảm cho khoản vay, xác định chính xác nghĩa vụ đối với các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...Trong quá trình xét xử phải giải quyết triệt để những tranh chấp phát sinh, kịp thời giải thích Bản án khi có văn bản đề nghị giải thích, kiến nghị.
- Đề xuất Cục THADS tỉnh tiếp tục thường xuyên tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng để các tổ chức tín dụng và Cơ quan THADS kịp thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc loại này./.
Lê Thị Kim Dung
Chi cục trưởng Chi cục THADS TP. Thái Nguyên