24 năm phát triển trợ giúp pháp lý, phù hợp với từng nhóm đối tượng

06/09/2021
24 năm phát triển trợ giúp pháp lý, phù hợp với từng nhóm đối tượng
24 năm thành lập (6/9/1997 - 6/9/2020) hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công cuộc cải cách tư pháp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế. Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh.




Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý sau 24 năm hình thành, phát triển và đặc biệt trong năm 2021 cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh Covid - 19?
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh:

Ra đời từ những năm cuối của thế kỷ XX, ngày 06/9/1997, đến nay, có thể nói hoạt động TGPL đã thực sự đi vào đời sống pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý, đóng góp vào cải cách tư pháp, vào sự phát triển của Ngành Tư pháp.
Đầu tiên phải kể đến là, trong công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hệ thống pháp luật TGPL dần hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước với sự ra đời của Luật TGPL số 69/2006/QH11 và mới được thay thế bởi Luật TGPL số 11/2017/QH14 là những dấu ấn quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới. Chế định TGPL cũng đã được đồng bộ hóa trong các Bộ luật, luật khác như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật...
Hai là, hệ thống TGPL được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, tăng cường năng lực. Hiện nay, hệ thống có 63 Trung tâm TGPL nhà nước với 1.148 người, trong đó 666 Trợ giúp viên pháp lý; 110 Chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, chúng ta còn có 678 luật sư và 39 Cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL; 193 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp. Tỷ trọng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý từng bước được nâng lên, từ chiếm 45% tăng lên chiếm 58% trên tổng số người làm việc tại Trung tâm TGPL. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, tất cả các Trợ giúp viên pháp lý đều đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, hạng chức danh, ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp. Hiện nay, tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư là tương đồng.
Ba là, trong những năm gần đây chất lượng các vụ việc TGPL được nâng lên rõ rệt thể hiện tính hiệu quả của dịch vụ TGPL, được các cơ quan, tổ chức và người dân ghi nhận.
Sau 24 năm, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 2.304.252 vụ việc TGPL miễn phí, trong đó có 212.052 vụ việc tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, củng cố niềm tin vào công lý. Hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Trong đó nhiều vụ việc có kết quả thành công, hiệu quả rõ rệt. Chỉ tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2020, toàn quốc đã có 10.384 vụ việc thành công, hiệu quả (chiếm khoảng 25% tổng số vụ việc tham gia tố tụng đã kết thúc), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 8.602 vụ việc (chiếm 83%). Góp phần quan trọng trong thực hiện khâu đột phá của cải cách tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng.
Riêng năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tạo nên những trở ngại đối với việc người dân đến trụ sở của tổ chức TGPL, việc người thực hiện TGPL đi lại tác nghiệp trong quá trình thực hiện TGPL hay việc bị hoãn xét xử... nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống TGPL với nhiều giải pháp khắc phục, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng các vụ việc thực hiện là 25.714 vụ việc, tăng 30,46% so với 06 tháng đầu năm 2020 (19.710 vụ việc). Số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện: tăng 35,25% (22.837 vụ việc so với 16.885 vụ việc) và chiếm 88,81% tổng số vụ việc của Trung tâm.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác TGPL, trong 24 năm qua, Cục TGPL đã 02 lần được tặng Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước và nhiều lần cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều Trung tâm TGPL nhà nước và cá nhân trong hệ thống TGPL đã được nhận Huân chương lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Phóng viên: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TGPL trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Co-vid có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, hệ thống TGPL cần quan tâm giải quyết những vấn đề gì thưa ông?
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh:
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hết sức phức tạp như hiện nay thì:

- Cục TGPL đã có văn bản chỉ đạo các Trung tâm TGPL tỉnh, thành phố trực thuộc TW chú trọng công tác truyền thông và thực hiện TGPL phù hợp với từng nhóm đối tượng được TGPL, chú ý đến nhóm đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như giúp họ tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức TGPL cũng cần cập nhật, bổ sung những nội dung mới liên quan đến vụ việc TGPL phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng để có các giải pháp khắc phục khó khăn của dịch bệnh Covid 19 trong việc gặp gỡ, tiếp xúc người bị tạm giam, tạm giữ, thực hiện các thủ tục tố tụng... Đồng thời, các Trung tâm TGPL cần tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương (Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật...) để họ giới thiệu người thuộc diện được TGPL đến với Trung tâm.
- Tiếp tục cải tiến cách thức truyền thông để người dân có vướng mắc pháp luật biết; tăng cường sử dụng hình thức giao tiếp, yêu cầu TGPL qua đường bưu điện, gửi thư điện tử, qua môi trường mạng...
- Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, áp dụng phù hợp trong các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL, nhất là trong bối cảnh cần bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh...
Những năm tới, cần triển khai một số định hướng sau đây:
- Có Đề án, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, uy tín của các cơ quan, tổ chức TGPL nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cung cấp dịch vụ TGPL tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại. Góp phần xứng đáng thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
- Chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về TGPL của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từng lĩnh vực hoặc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng kho vụ việc TGPL mẫu, cẩm nang TGPL...
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu TGPL trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải thủ tục hành chính trong hoạt động TGPL, tiết kiệm chi phí đi lại, chứng minh thuộc diện đối tượng...
Phát huy cơ chế Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong tố tụng, kết nối với Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác về việc áp dụng công nghệ điện tử, chuyển đổi số đối với việc thực hiện TGPL trong tố tụng (bao gồm cả việc trực TGPL tại trụ sở Tòa án, cơ quan điều tra kết hợp với trực qua điện thoại, trực tuyến). Chuẩn bị cơ sở vật chất và công nghệ tương thích kịp thời kết nối với Tòa án để thực hiện tranh tụng trực tuyến khi Đề án xét xử trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao được thông qua.
- Có phương thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về TGPL của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ TGPL.
- Phát huy vai trò TGPL trong thực hiện liên thông, kết nối với các lĩnh vực trong chương trình mục tiêu quốc gia, “chiến lược giảm nghèo bền vững” giúp cho người nghèo, người yếu thế… được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác TGPL nói chung và vụ việc TGPL nói riêng; có quy định khuyến khích, vinh danh, động viên tổ chức, cá nhân, lực lượng xã hội tham gia, đóng góp vào hoạt động TGPL... tất cả hướng tới một nền Tư pháp vì dân.
Trong niềm tự hào kỷ niệm ngày thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách, thay mặt Lãnh đạo Cục TGPL, tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp; lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hữu quan đã thường xuyên quan tâm, dành sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn để TGPL hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Xin chân thành cảm ơn và tri ân những cống hiến, đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TGPL, những người tham gia đóng góp cho công tác TGPL trong suốt 24 năm qua. Kính chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, bình an và thành công./.

Xin cám ơn ông!

P.V (Thực hiện)