Quan tâm hơn nữa đối với cán bộ tư pháp cơ sở

06/03/2006
Quan tâm hơn nữa đối với cán bộ tư pháp cơ sở
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, trong 2 ngày 21 và 22/2/2006, Uỷ viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Gia Lai và Kon Tum về việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn từ nay đến năm 2020 cùng các hoạt động khác của ngành tư pháp trong thời gian qua. Qua các cuộc làm việc, Bộ trưởng Uông Chu Lưu rất băn khoăn, trăn trở về những bất cập trong công tác cán bộ công tác tư pháp cấp huyện, xã. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo hai tỉnh này quan tâm hơn nữa đối với cán bộ làm công tác tư pháp cơ sở

 

DIỆN TÍCH MỘT XÃ BẰNG CẢ TỈNH THÁI BÌNH NHƯNG… CHỈ CÓ MỘT CÁN BỘ TƯ PHÁP(?!)

Chiều ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum. Ông Nguyến Tấn Quyết, Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động của ngành tư pháp năm 2005 và một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành triển khai trong năm 2006. Theo đó, trong năm 2005, Sở Tư pháp Kon Tum đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 353 ngàn lượt người. Đồng thời Sở làm tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn các văn bản pháp luật quan trọng cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Sở Tư pháp Kon Tum cũng đã chủ động phối hợp với cơ quan ngôn luận địa phương tổ chức được nhiều chuyên mục tìm hiểu pháp luật như “Pháp Luật và đời sống”, “Chủ tịch UBND cấp xã với kiến thức pháp luật” Công tác xây dựng VBQPPL cũng được lãnh đạo Sở chú trọng. Ngành tư pháp Kon Tum, trong năm 2005 đã trực tiếp thẩm định 75 văn bản quan trọng của HĐND, UBND tỉnh.  Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL cũng được chú trọng. Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp, hộ tịch quốc tịch, công chứng chứng thực… đều đạt được những kết quả đáng quan tâm. 

Mặt dù đạt được kết quả nhất định, nhưng ngành tư pháp Kon Tum vẫn còn không ít khó khăn. Là tỉnh có địa hình đặc thù với hơn 1 triệu ha nhưng đất canh tác chỉ chiếm 14-15%,  chủ yếu là nông nghiệp. Đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc chiếm hơn 54%. Trình độ dân trí của người dân đều rất thấp. Xuất phát từ kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, dẫn đến công tác tư pháp cũng bị ảnh hưởng. Các phòng tư pháp huyện chỉ có nơi chỉ có 2 biên chế, còn cấp xã thì chỉ có 1 người. Những cán bộ này, hầu hết đều chưa tốt nghiệp cử nhân luật vì vậy mà năng lực, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Căng nhất là cán bộ tư pháp cấp xã. Có xã diện tích rộng bằng tỉnh Thái Bình nhưng chỉ có một cán bộ làm công tác tư pháp. Báo cáo với Bộ trưởng Uông Chu Lưu, ông Quyết và lãnh đạo các cơ quan nội chính cấp tỉnh (toà án, công an) đều than rằng vấn đề khó khăn nhất hiện nay không phải là chỉ tiêu biên chế mà là nguồn cán bộ để tuyển dụng. Có đơn vị năm lần bảy lượt xuống tận Trường đại học luật Tp. HCM thông báo tuyển người, nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy ai đến đăng ký thi tuyển. Vì vậy, họ cho biết dù rất nỗ lực nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. 

 Đối với tỉnh Gia Lai, công tác tư pháp của tỉnh này trong năm 2005 đã đạt kết quả rất khả quan. Về Công tác xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, ngành tư pháp tỉnh Gia Lai đã trực tiếp tham mưu cho HĐND và UBND ra nhiều văn bản quan trọng, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế xã hội. Công tác kiểm tra, rào soát VBQPPL, tính đến nay toàn tỉnh đã thực hiện xong 8.950 văn bản. Qua kiểm tra đã xử lý 9 văn bản qui phạm pháp luật không phù hợp và 2 văn bản cá biệt. Đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Gia lai đã có nhiều sáng kiến trong việc đưa pháp luật đến với người dân, nhất là đồng bào dân tộc. Công tác trợ giúp pháp lý, quản lý và đăng ký  hộ tịch đều được trú trọng và đạt kết quả. Mặc dù về cán bộ tư pháp cấp huyện, xã được kiện toàn nhưng Gia Lai vẫn còn  nhiều khó khăn trong công tác cán bộ cơ sở. Hầu hết cán bộ tư pháp cấp xã chỉ có 1 người.  Về công tác luật sư, thi hành án cũng còn nhiều bất cập. 

 

SẼ ƯU TIÊN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TƯ PHÁP 

Phát biểu với lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu nhấn mạnh vai trò của ngành tư pháp trong việc góp phần qua trọng giữ vững ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế của địa phương. Bộ trưởng phấn khởi trước những kết quả mà ngành tư pháp hai tỉnh này đạt được trong năm 2005. Tuy nhiên, về vấn đề cán bộ tư pháp cơ sở, Bộ trưởng Uông Chu Lưu rất băn khoăn. Bộ trưởng nói với địa bàn xã, huyện rất rộng  nhưng biên chế cán bộ vừa thiếu, năng lực lại yếu, sẽ ảnh hướng đến chất lượng công tác ngành. Bộ trưởng lưu ý, với đội ngũ cán bộ tư pháp như hiện nay, một khi thực hiện phân cấp thẩm quyền công tác hộ tịch về huyện, xã liệu rằng có đảm đương nổi công việc hay không. Bộ trưởng gợi mở, mặc dù chủ trương tinh giản biên chế, cải cách hành chính nhưng nơi nào cần thiết phải có cán bộ như cán bộ tư pháp thì vẫn có thể bổ sung biên chế. Vấn đề là lãnh đạo các Sở Tư pháp cần tham mưu đúng cho UBND tỉnh trong việc này. Bộ trưởng cũng đề nghị với lãnh đạo các tỉnh nên xem xét cho tăng biên chế cán bộ tư pháp huyện từ 5-7 người, còn ở cấp xã, phường nếu trên 10 ngàn dân thì xem xét cho 2 biên chế mới có thể đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới. 

 Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp, vì vậy lãnh đạo các ngành tư pháp địa phương cần phải chú trọng, có những phương thức cụ thể, linh hoạt để đưa pháp luật về với đồng bào dân tộc, giúp họ hiểu đúng và làm đúng pháp luật. Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, ông Phạm Thế Dũng phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ xem xét cho mở phân hiệu đại học Luật để đào tạo cán bộ nguồn cho ngành tư pháp tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng muốn làm điều này phải có chủ trương từ chính phủ, trong đó có sự đồng thuận về quan điểm giữa lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Về vấn đề bổ sung đội ngũ luật sư, chấp hành viên, công chứng viên… Bộ trưởng đề nghị địa phương chủ động tìm nguồn, Bộ sẽ ưu tiên hỗ trợ giáo viên, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng và sẳn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tỉnh Tây Nguyên. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã đến thăm bà con dân làng Teng Nong, thuộc xã Ia Hrú, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.  Phát biểu trước bà con đồng bào làng Teng Nong, Bộ trưởng biểu dương tinh thần chung thuỷ, một lòng theo Đảng, Nhà nước của người dân, góp phần vào việc ổn định chính trị, trật tư an ninh địa phương. Nhân dịp đến thăm dân làng, Bộ trưởng chúc đời sống kinh tế bà con trong năm 2006 và những năm tiếp theo sẽ khá hơn nữa.

                                                                                                                                                                                                                      Nguyễn Đức