Chiều ngày 19/2/2006, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông, đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bô tư pháp Uông Chu Lưu, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên và lãnh đạo các vụ thuộc Bộ Tư pháp đã có buổi thăm và làm việc với lãnh đạo, toàn thể cán bộ công chức Sở Tư pháp tỉnh Đắc Nông.
Báo cáo với Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn, ông Nguyễn Văn Uý, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắc Nông cho biết, từ khi thành lập Sở Tư pháp tỉnh (1/1/2004), chỉ có 12 người, hiện nay cơ cấu, tổ chức cán bộ của sở đã được hình thành và phát triển tương đối đầy đủ, gồm 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 9 đơn vị trực thuộc (5 phòng chuyên môn, 2 phòng công chứng, 2 trung tâm) với tổng biên chế được giao là 44 người. Hiện sở đã bố trí được 37 cán bộ công chức, viên chức. Đối với tư pháp cấp huyện, xã, hiện nay toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thị xã và 61 xã phường, thị trấn. Các đơn vị hành chính này đều đã bố trị được cán bộ làm công tác tư pháp với 7 phòng tư pháp cấp huyện và 61 ban tư pháp xã. Cán bộ tư pháp các huyện đều có trình độ đại học luật, cán bộ tư pháp xã chỉ còn 18 người chưa đủ tiêu chuẩn theo qui định (trung cấp pháp lý). Để tháo gỡ vướng mắc này, hiện tại sở đã bố trí cho các cán bộ này đi theo học lớp trung cấp pháp lý để đạt chuẩn. Mặc dù đã chú trọng nâng cao chất lượng, tuyển chọn, bổ sung đội ngũ cán bộ công chức cho ngành, nhưng ông Uý vẫn băn khoăn rằng với số lượng này vẫn còn mỏng so với nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn hiện nay, nhất là sắp tới thực hiện cải cách tư pháp, phân cấp mạnh về cho tư pháp huyện, xã.
Đối với công tác văn bản qui phạm pháp luật, theo ông Uý, từ khi được thành lập đến nay sở đã trực tiếp soạn thảo và tham mưu cho tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhiều văn bản pháp luật quan trọng ; phòng tư pháp các huyện, thị và ban tư pháp cấp xã cũng đã tham mưu, góp ý, thẩm định 1.500 văn bản của UBND cùng cấp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được lãnh đạo sở quan tâm, chú trọng thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, của tỉnh uỷ Đắc Nông về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện tại, toàn tỉnh có 250 bán cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và đang tiếp tục bổ sung. Công tác thi hành án dân sự đã được lãnh đạo sở quan tâm, thường xuyên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thi hành án cấp huyện thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo qui định pháp luật. Công tác thi hành án đã đạt kết quả cao , trong đó đã giải quyết xong 77% số vụ việc phải thi hành… Về các mặt công tác khác như quản lý luật sư, giám định tư pháp, hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng… ngành tư pháp tỉnh Đắc Nông đều đạt kết quả rất đáng phấn khởi.
Phát biểu trước lãnh đạo và cán bộ công chức Sở Tư pháp tỉnh Đắc Nông, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã khen ngợi tinh thần làm việc, vượt khó của cán bộ công chức ngành tư pháp trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo tỉnh và nhân dân Đắc Nông giao phó. Về nhiệm vụ, công tác của ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Uông Chu Lưu lưu ý lãnh đạo sở cần tăng cường tuyển chọn cán bộ tư pháp là con em đồng bào dân tộc tại địa phương (đắc Nông có 34 đồng bào dân tộc). “Bởi cán bộ tư pháp là người dân tộc, nói bằng tiếng của chính dân tộc mình thì sẽ hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của dân tộc, góp phần phát triển hơn nữa công tác tư pháp” – Bộ trưởng Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Để làm được điều này, Bộ trưởng lưu ý, lãnh đạo sở tư pháp cần phối hợp với Sở nội vụ tìm kiếm nguồn cán bộ tư pháp là con em đồng bào dân tộc. Về công tác tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật, bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, ngoài việc đảm bảo tính pháp lý thì cần chú trọng đến việc xây dựng văn bản để phát triển kinh tế, phải đề xuất được chính sách, cơ chế, huy động các nguồn lực trong xả hội, củng cố vai trò của ngành tư pháp ngày càng vững mạnh hơn. Thay mặt lãnh đạo bộ, Bộ trưởng Uông Chu Lưu khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn cho tỉnh Đắc Nông trong công tác tư pháp trong thời gian tới.
Ngày 20/2/2006, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Nông về một số lĩnh vực công tác tư pháp thời gian tới.
Nguyễn Đức