Cải cách hành chính tư pháp mạnh mẽ hơn trong năm 2006

16/01/2006
Cải cách hành chính tư pháp mạnh mẽ hơn trong năm 2006
Bộ Tư pháp sẽ triển khai đồng bộ hai nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết về một số công việc mà ngành Tư pháp sẽ tập trung thực hiện trong năm nay.
* Thưa Thứ trưởng, trong công tác xây dựng pháp luật, năm nay, Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện những công việc gì?

- Trong năm nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ phải trình 62 luật, pháp lệnh và ban hành khoảng 300 nghị định. Đây là một khối lượng công việc rất lớn mà toàn ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp và Pháp chế các bộ, ngành phải tập trung cao độ mọi nguồn lực để hoàn thành từ soạn thảo đến thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Đặc biệt, năm 2006, Bộ Tư pháp được giao trực tiếp chủ trì soạn thảo 9 luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là các văn bản phải thể hiện trực tiếp những quan điểm, định hướng cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng vừa nâng cao hiệu lực quản lý thống nhất Nhà nước, vừa huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật nhằm đáp ứng các đòi hỏi của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Cũng trong năm 2006, Chương trình 909 do Bộ Tư pháp chủ trì về đổi mới quy trình xây dựng và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ phải kết thúc với các kết quả cụ thể là trình 3 nghị định của Chính phủ về đổi mới quy trình lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới quy trình soạn thảo, thông qua văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; cơ chế huy động sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, trong năm 2006, toàn ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở quy mô rộng và sâu hơn, đòi hỏi cơ quan tư pháp các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm công tác xây dựng, kiểm tra văn bản phải nỗ lực rất lớn để khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu và "gác cổng" đáng tin cậy của lãnh đạo chính quyền các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là trong năm 2006 toàn ngành phải chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ thẩm định các điều ước quốc tế theo Luật Ký kết, Gia nhập điều ước quốc tế.

* Người dân hiện đang rất quan tâm tới Nghị định 158/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 83 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Nhưng từ chính sách đến thực tiễn là cả một quãng đường dài. Ngày 1/4 tới Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành, ngành Tư pháp dự định triển khai công việc này như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch thể hiện tư tưởng cải cách hành chính tương đối rõ. Thứ nhất, thủ tục hành chính được nghiên cứu, rút gọn, đơn giản đến mức thuận tiện nhất cho người dân. Thứ hai, các yêu cầu về giấy tờ cũng linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện nhiều vùng trên cả nước. Mặt khác, Nghị định đề cao trách nhiệm của cán bộ nhà nước trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, theo hướng cán bộ phải thực sự phục vụ nhân dân. Nghị định cũng thể hiện sự phân cấp rất mạnh cho địa phương.

Như vậy, trong năm 2006, trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, chúng ta đã có cơ sở pháp lý rất thuận lợi, rất rõ ràng rồi, vấn đề tiếp theo là thực hiện triển khai Nghị định sao cho có hiệu quả. Trước mắt, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức tập huấn Nghị định này một cách sâu rộng đến tận cấp xã. Nhưng quan trọng hơn là sẽ có tổ chức một cuộc rà soát lại năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện, trên cơ sở đó đưa ra một quy hoạch về đào tạo cũng như bồi dưỡng cán bộ làm công tác hộ tịch. Bộ Tư pháp cũng sẽ làm việc với từng địa phương, UBND chịu trách nhiệm chính, nhưng đối với vùng sâu, vùng xa, Bộ Tư pháp sẽ đầu tư trực tiếp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này.

Đồng thời với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu và xây dựng nhiều sách hướng dẫn nghiệp vụ, nhiều cuốn sổ tay, đặt ra những tình huống rất cụ thể và hướng giải quyết để hướng dẫn cán bộ, giúp họ có cẩm nang trong công việc. Ở những nơi có điều kiện, chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn trực tiếp. Các biểu mẫu hộ tịch cũng sẽ được thiết kế rất rõ ràng, là văn bản có giá trị cao và bảo đảm sức sống lâu dài.

* Được biết Bộ Tư pháp đang xây dựng dự án Luật Công chứng một trong chín dự án luật, pháp lệnh của cả năm, quan điểm xây dựng dự án Luật này như thế nào, liệu có gỡ được sự quá tải của các phòng công chứng hiện nay?

- Dự án Luật Công chứng đang được xây dựng theo hướng xã hội hoá. Ở đây, công chứng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân và người công chứng đủ điều kiện thì được Nhà nước bổ nhiệm. Sau đó, công chứng viên có thể làm trong văn phòng công chứng do Nhà nước thành lập, mà cũng có thể tự mình thành lập phòng công chứng để làm. Đó là những điểm rất mới.

Mặt khác, dự án Luật Công chứng cũng làm rõ giá trị của văn bản công chứng, đó là một hình thức phòng ngừa không cho phép những giao dịch chưa đủ điều kiện có hiệu lực pháp luật vào cuộc sống. Do đó, công chứng viên phải bám sát những điều kiện mà Luật quy định về những văn bản muốn có hiệu lực pháp luật thì phải có các điều kiện gì, và chính những điều kiện theo quy định của pháp luật là những nội dung mà công chứng xem xét. Do đó, nếu Luật Công chứng được ban hành, chắc chắn sẽ tháo gỡ được tình trạng quá tải ở các phòng công chứng hiện nay.

* Để thực hiện được một khối lượng công việc lớn như vậy thì chắc chắn ngành Tư pháp phải xiết chặt kỷ luật hành chính, thưa ông?

- Chắc chắn năm 2006 kỷ luật hành chính sẽ được tăng cường theo chiều hướng chủ trương của cấp trên phải được quán triệt nghiêm túc ở cấp dưới, không thể để tình trạng trên cứ nói, dưới không làm hoặc làm khác. Mặt khác, công tác thống kê và báo cáo cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, tất cả các trường hợp vi phạm đều sẽ bị xử lý theo quyết định.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Pháp luật Việt Nam