Khi Bộ trưởng trực tiếp về Cơ sở

04/04/2005
Công tác tư pháp ở nhiều xã của tỉnh Nam Định bị phân tách làm 2 (tư pháp riêng, hộ tịch riêng), khó khăn cho chính những người thực thi nhiệm vụ và cũng gây không ít phiền hà cho người dân. Bởi nếu phát sinh sự kiện pháp lý về vấn đề tư pháp hộ tịch thì người dân phải mất nhiều thời gian để liên hệ, có khi tìm được cán bộ hộ tịch thì lại mất cán bộ tư pháp. Vấn đề này gỡ ra sao? Đó là thông tin phản ánh tới người đứng đầu ngành tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng quà lưu niệm của Bộ cho UBND xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Đó là một trong hai vấn đề đáng quan tâm thôi thúc đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sắp xếp thời gian “mặc áo dân”, trực tiếp về tìm hiểu tại tỉnh Nam Định từ chiều 31/3 đến hết ngày 1/4/2005. Cùng đi với Bộ trưởng có lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp lụât của Bộ Tư pháp.

CHỈ RA VƯỚNG MẮC, CÙNG THÁO GỠ

Để hướng dẫn triển khai Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, ngày 6/8/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành văn bản số 119/CP8 (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn số 119). Về hình thức văn bản, Hướng dẫn 119 đã hướng dẫn cụ thể chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 34. Đây là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, nhưng lại không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Về nội dung của văn bản, có nhiều hướng dẫn trái với Nghị định số 121, trong đó tại khoản a điểm 16,17 và khoản b điểm 17 Mục I của Hướng dẫn số 119 đã tách chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch thành hai chức danh và ghép với hai chức danh cán bộ không chuyên trách: Tư pháp - Phó Công an; Hộ tịch - Phó Chỉ huy trưởng quân sự, trong khi đó tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 121 và điểm 2.4 Mục I Thông tư số 34 đều quy định chức danh Tư pháp - Hộ tịch là chức danh công chức xã.

Nắm được cụ thể thông tin nêu trên, chiều ngày 31/3/2005, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định. Sau khi tiếp nhận thông tin, nắm được quan điểm của Bộ Tư pháp, đồng chí Trần Văn Tuấn - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Oanh đã ghi nhận và hứa sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để điều chỉnh.

Chức danh công chức này được tuyển dụng thông qua thi tuyển để làm một công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, việc tách chức danh Tư pháp - Hộ tịch để ghép chung với một số các chức danh cán bộ không chuyên trách khác là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

GHI NHẬN MÔ HÌNH, ĐỂ “NHÂN” LÊN

Vào các năm 2000, 2001 nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương đã phản ánh điểm nóng bãi triều (nuôi vạng) trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Tại đây, ngày đó thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp diện tích nuôi vạng, tranh mua, tranh bán, ẩu đả, gây thương tích lẫn nhau, dân khiếu kiện vượt cấp, an ninh nông thôn bất ổn. Tuy nhiên, sau đó với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan tư pháp, tình hình an ninh trật tự tại khu vực bãi triều Nghĩa Hưng đã ổn định.

Bí thư Huyện uỷ Đỗ Trọng Hoành cho biết: Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã sớm nhận thức vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), nhất là khi có Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (năm 2003) và Chỉ thị 26 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định về “tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác TTPBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân”. Ông Hoành cho biết thêm, do thấy được vai trò, nhiệm vụ không thể thiếu được của Phòng Tư pháp huyện, nên lãnh đạo huyện đã “kiên định” đề nghị tỉnh cho giữ lại, mặc dù trước đó đã có quyết định của tỉnh về việc nhập Phòng Tư pháp vào Văn phòng UBND huyện. Và, từ đó tới nay, việc “bảo vệ” vị trí của Phòng Tư pháp đã thực sự phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với Phòng thi hành án tỉnh Nam Định.

Ông Trần Minh Đạo - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, 2 năm qua (2003- 2004) căn cứ vào nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn, UBND huyện Nghĩa Hưng đã giao cho Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tham mưu, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan đoàn thể ở huyện tiến hành bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật trong cán bộ, đảng viên, nhân dân như: Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ; Luật Khiếu nại Tố cáo; Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh Dân số,…Trong 2 năm đã tổ chức 3 lớp với 638 đại biểu HĐND xã, thị trấn; tập huấn cho 333 cán bộ chủ chốt ở thôn, xóm, tổ trưởng tổ hoà giải để học tập, tìm hiểu chính sách pháp luật, phục vụ kịp thời nhu cầu của các đối tượng; mở đợt tuyên truyền cao điểm về Luật giao thông đường bộ tại 25 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã đã thu hút 22.700 lượt người tham gia học tập.

Cũng trong 2 năm 2003- 2004, đài cơ sở đã thực hiện phát sóng 1.502 buổi có nội dung TTPBGDPL về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng tủ sách pháp luật tại 100% số xã, thị trấn với tổng số 3.500 đầu sách. Đến năm 2004 toàn huyện đã xây dựng được 336 tổ hoà giải ở các thôn, xóm, cụm dân cư; chọn được 2.222 hoà giải viên, trong đó có nhiều hoà giải viên là người theo đạo Thiên chúa có tinh thần trách nhiệm, hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những người làm công tác hoà giải đồng thời là người cộng tác viên trợ giúp pháp lý (TGPL).

Trong 2 năm 2003- 2004, tổ chức hoà giải ở cơ sở của huyện Nghĩa Hưng đã tham gia hoà giải 1.472 vụ việc, trong đó hoà giải thành 1.289 vụ việc (đạt 87,5%). Lực lượng tham gia TGPL đã TGPL lưu động 28 cuộc thuộc 25 xã, thị trấn; khảo sát hơn 5.000 hộ gia đình, trợ giúp trực tiếp cho 1.237 đối tượng. Cùng với đó, toàn huyện đã xây dựng 343 câu lạc bộ thu hút 28.863 hội viên tham gia. Đó là các câu lạc bộ: Phụ nữ với pháp luật, Phụ nữ không sinh con thứ ba, Phụ nữ với việc phòng chống các tệ nạn xã hội, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Tuổi trẻ với pháp luật…

Tại hội nghị sơ kết 2 năm công tác TTPBGDPL và TGPL, các đại biểu tham dự đã nghe Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng về sự phối hợp TTPBGDPL và TGPL cho phụ nữ; tham luận của UBND xã Nghĩa Lạc (xã có trên 10.000 dân, trong đó đồng bào theo đạo Thiên Chúa chiếm 99,7%) về công tác TTPBGDPL và TGPL ở vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa; tham luận về vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong công tác TTPBGDPL và TGPL của Đảng uỷ xã Nghĩa Hồng; Báo cáo của Ban Tư pháp xã Nghĩa Lâm; Báo cáo của Tổ hoà giải số 4, xóm Hải Sơn, xã Nghĩa Thịnh về sự kết hợp giữa công tác hoà giải với TTPBGDPL…

Đánh giá về công tác TTPBGDPL và TGPL của Nghĩa Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Tuấn nói: Nghĩa Hưng đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chỉ thị của Trung ương, của Bộ Tư pháp và của tỉnh về công tác TTPBGDPL. Sự thành công của công tác TTPBGDPL đã góp phần ổn định tình hình an ninh nông thôn, không phát sinh điểm nóng, không còn khiếu kiện đông người phức tạp, đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các thành viên trong đoàn cũng lãnh đạo xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng, Nam Định)

Cùng tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm công tác TTPBGDPL và TGPL, Bộ trưởng Uông Chu Lưu và Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Tuấn đã ghi nhận và biểu dương kết quả rất tích cực của Nghĩa Hưng trong công tác TTPBGDPL và TGPL. Cả hai vị lãnh đạo đều phát biểu nhấn mạnh đến một số điểm cần chú ý về công tác TTPBGDPL và TGPL và mong muốn từ hội nghị này cần nâng lên tầm cao mới. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị trong toàn tỉnh học tâp những kinh nghiệm quý từ Nghĩa Hưng, sớm có kế hoạch sơ kết, nhân rộng những mô hình tốt về công tác TTPBGDPL và TGPL.

Một lần nữa Bộ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta (cán bộ, công chức ngành Tư pháp) hãy “mặc áo dân”, bởi khi đó ta sẽ nghe được lời nói thẳng, sẽ giải quyết tốt được công việc của dân và sẽ được đông đảo nhân dân ủng hộ!

Sau một ngày rưỡi thị sát tại cơ sở, lắng nghe cả những vướng mắc và những mô hình tốt từ cơ sở, từ nhân dân, Bộ trưởng Uông Chu Lưu nói: Bài học kinh nghiệm tại huỵên Nghĩa Hưng là cấp uỷ, chính quyền đã thực sự “lăn” vào cuộc, cả hệ thống chính trị ra quân, trong đó ngành Tư pháp là lực lượng nòng cốt. Điều này dường như rất giản đơn, nhưng nếu triển khai thực hiện tốt lại là điều không đơn giản. Để cho cấp uỷ, chính quyền thực sự quan tâm, trước hết các cán bộ, công chức ngành Tư pháp phải thực sự bám lấy dân, lấy nhân dân là đối tượng phục vụ, phải năng động, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác.

Trong thời gian làm việc tại Nam Định, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã trực tiếp về làm việc tại xã Nghĩa Hồng, xã Nghĩa Tân, lắng nghe ý kiến của cấp uỷ, chính quyền, Ban Tư pháp xã và nhân dân về những mặt thuận lợi cũng như những khó khăn khi triển khai công tác tư pháp ở cơ sở. Bộ trưởng ghi nhận và hứa sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo một số văn bản QPPL đã được Chính phủ giao, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 83 về công tác hộ tịch. Bộ trưởng cũng tới thăm Phòng Thi hành án - Sở Tư pháp Nam Định. Bộ trưởng ghi nhận và động viên những cố gắng của cán bộ, công chức làm công tác thi hành án, đồng thời Bộ trưởng căn dặn các cán bộ, công chức của Phòng thi hành án phải luôn luôn giữ mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tránh xảy ra những việc làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành như đã xảy ra tại Phòng thi hành án của tỉnh Khánh Hoà.

Nguyễn Thắng (Báo Pháp luật)