Với chủ trương “hướng về cơ sở”, trong các ngày 23 và 24/2, Bộ trưởng Uông Chu Lưu cùng các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ PBGDPL; Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lên công tác tại tỉnh miền núi biên giới Hà Giang.
Trong chuyến công tác tại Hà Giang, Bộ trưởng đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Hà Giang (Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh); thăm và làm việc với ngành tư pháp Hà Giang và một số đơn vị trực thuộc, nhằm nắm bắt tình hình phát triển kinh tế- xã hội và công tác tư pháp của tỉnh miền núi biên giới Hà Giang . Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang nêu rõ:Mặc dù trong năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP toàn tỉnh tăng 10%, nhưng nhìn chung nền kinh tế Hà Giang vẫn nhỏ bé, chậm phát triển, vẫn là một tỉnh nghèo(khoảng 90 % ngân sách vẫn do Trung ương hỗ trợ), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 180 USD/năm; thu ngân sách trên địa bàn 171,4 tỷ đồng..
Kinh tế kém phát triển, tất yếu sẽ kéo theo các lĩnh vực khác có khó khăn- Đó là sự thừa nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đỗ Trọng Quý. Đương nhiên, không vì khó khăn mà buông xuôi công tác tư pháp. Theo ông Đỗ Trọng Quý trong năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: Dự thảo bộ luật tố tụng dân sự, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND; Luật quốc phòng; Pháp lệnh giám định tư pháp; đồng thời giao cho ngành tư pháp tỉnh thẩm định theo chức năng các văn bản của địa phương như: Quy chế quản lý các đề tài, dự án khoa học công nghệ; định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải…
Song song với nhiệm vụ trên, Hà Giang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 135/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác này. Cùng với đó, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo tuyên truyền, PBGDPL và đổi tên thành Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL (trong năm 2004 đã có trên 700 nghìn lượt người được học tập pháp luật); xuất bản cuốn Bản tin tư pháp gửi đến cơ sở; xây dựng dự thảo Chỉ thị để trình Tỉnh uỷ ban hành về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Đồng thời, quản lý và khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật.
Chủ tịch Đỗ Trọng Quý cho biết, năm 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10%, không phát sinh điểm nóng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh biên giới được bảo đảm…Trong thành tựu chung của tỉnh, có sự đóng góp của ngành tư pháp Hà Giang.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang và phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2005, Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức và nhân viên ngành tư pháp Hà Giang trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý, năm nay, ngành tư pháp Hà Giang nói riêng và các cơ quan tư pháp cả nước nói chung phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Ngành tư pháp cần bám sát vào Chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ tư pháp, cần lựa chọn những lĩnh vực đột phá; trong đó cần chú trọng đến công tác tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho đồng bào. Vì là một tỉnh nghèo, nên ngành Tư pháp phải trăn trở hơn nữa, tránh thụ động để tìm ra nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tâm lý của đồng bào, nhất là ở địa phương như Hà Giang có tới 22 dân tộc anh em sinh sống.
Theo Bộ trưởng, TTPBGDPL không chỉ trong nhân dân, mà kể cả trong cán bộ, đảng viên theo đúng tinh thần Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và các quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác TTPBGDPL trong tình hình mới, nhằm không ngừng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong mọi đối tượng. Một trong những giải pháp là phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp (phối hợp với ngành giáo dục, để thông qua con em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên của gia đình; phối hợp với ngành công an, giao thông trong các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ để tuyên truyền pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ khi kết hôn với người nước ngoài…).
Bộ trưởng lưu ý, ngành tư pháp Hà Giang cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, nhất là trong các lĩnh vực hộ tịch, công chứng... Về công tác thi hành án dân sự, cần phấn đấu, đặt thêm chỉ tiêu cao hơn nữa so với mặt bằng chung của cả nước (trong năm 2004, công tác thi hành án của Hà Giang đã giải quyết được 1.146 việc, đạt 80,9% số việc có điều kiện thi hành).
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành tư pháp Hà Giang cần chủ động tham mưu cho chính quyền trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhằm kêu gọi nhiều nhà đầu tư, nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, nhằm góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Quan điểm chỉ đạo của ngành tư pháp là phải tích cực hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, khắc phục kịp thời những vướng mắc, tồn đọng từ cơ sở, nhằm tránh phát sinh những điểm nóng, những vấn đề phức tạp về công tác tư pháp.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh đã quan tâm, cần quan tâm hơn nữa đến đến công tác tư pháp theo tinh thần “đã giao việc thì cần bảo đảm cho việc được thực hiện đạt kết quả tốt”; nhất là xem xét, bổ sung kinh phí ở mức độ bảo đảm cho công tác tuyên truyền, PBDGPL (chú ý đến các Luật: Luật biên giới quốc gia; Luật bảo vệ và phát triển rừng…); đồng thời, cần hỗ trợ cho công tác thi hành án, cụ thể là phối hợp trong việc xây dựng kho tang tài vật; bổ sung thêm các cán bộ cho các phòng tư pháp mới chỉ có 2 người (trong khi Phòng tư pháp có tới 17 đầu việc); xem xét việc thành lập Trung tâm bán đấu giá tài sản; hoàn thiện các đề án về việc mở lớp Đại học luật và Trung cấp luật tại Hà Giang …
Về phần mình, Bộ trưởng sau khi nghe đề xuất của lãnh đạo tỉnh và kiến nghị của Ban giám đốc Sở Tư pháp, cũng như qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ tư pháp cơ sở, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo các cục, vụ, viện, trường của Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thực lực của mình sẽ hỗ trợ ngành tư pháp Hà Giang trong việc triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ tư pháp; nghiên cứu chọn Hà Giang là “điểm” của quốc gia về tuyên truyền, PBGDPL. Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ để thay thế Nghị định 83/CP về hộ tịch, trong đó sẽ sửa đổi một số bất hợp lý về hình thức biểu, mẫu, sổ hộ tịch để phù hợp hơn với thực tiễn, nhất là đối với công tác quản lý, sử dụng của cán bộ, công chức tư pháp vùng cao. Những trăn trở và những vấn đề đáng quan tâm về công tác tư pháp Hà Giang của Bộ trưởng đã được Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Minh Nhất và các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm của tỉnh ghi nhận và hứa sẽ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện. Chuyến công tác của Bộ Trưởng tại Hà Giang đã thu được nhiều kết quả tích cực, mang dấu ấn lịch sử của ngành. Vì đây là lần đầu tiên một hội nghị của ngành Tư pháp Hà Giang có Bộ trưởng lên dự và chỉ đạo, đã gợi mở những hướng đi thiết thực, hiệu quả./.