Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2005

16/02/2005
Sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp đã quan tâm và có nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2004. Do vậy, công tác tư pháp đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. Năm 2005 là năm kết thúc thực hiện Nghị quyết, 08-NQ/TW nên công việc còn lại nhiều, cần phải hoàn thành để chuyển tiếp việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006 - 2020. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đề nghị các ngành, các cấp, trước hết là các cơ quan tư pháp, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG                 ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP      Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2005

                        *

        Số 04-Ctr/BCĐCCTP

CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2005

Sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới'', các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp đã quan tâm và có nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2004. Do vậy, công tác tư pháp đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả.

Năm 2005 là năm kết thúc thực hiện Nghị quyết, 08-NQ/TW nên công việc còn lại nhiều, cần phải hoàn thành để chuyển tiếp việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006 - 2020. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đề nghị các ngành, các cấp, trước hết là các cơ quan tư pháp, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm dưới đây:

1. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và tổ chức rộng rãi các phiên toà xét xử theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW; tập trung xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự, dân sự, đặc biệt là các vụ án trọng điểm ở cả cấp trung ương và địa phương

a. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, đặc biệt là công tác nắm, xử lý tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phấn đấu mọi tội phạm xảy ra đều được phát hiện và xử lý, góp phần khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Đảng uỷ Công an TW chủ trì cùng các ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện.

b. Tập trung giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, án tham nhũng, buôn lậu, ma tuý, các tội phạm có tổ chức và những vụ án có nhiều dư luận bức xúc ở cả cấp trung ương và địa phương.

Tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng; qua việc xử lý các vụ án tham nhũng, cần chủ động đóng góp vào việc chuẩn bị tốt dự án Luật chống tham nhũng để trình Quốc hội.

Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC chủ trì cùng Đảng ủy Công an TW, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Đảng uỷ Quân sự TW phối hợp với cấp uỷ đảng các địa phương chỉ đạo ngành mình thực hiện theo thẩm quyền.

c. Triển khai sâu rộng việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên toà trong tất cả các loại án (hình sự, dân sự và hành chính) trên cơ sở quy định, của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp tại tất cả các toà án cấp tỉnh và toà án cấp huyện.

Ban cán sự đảng Toà án NDTC chủ trì cùng Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC, Đảng uỷ Công an TW, Đảng ủy Quân sự TW và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện.

d. Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc khởi tố các vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Khắc phục tình trạng khởi tố sai phải đình chỉ điều tra do không phạm tội; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp Viện kiểm sát truy tố không đúng để Toà án tuyên không phạm tội.

Tổ chức rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW trong phạm vi toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác này, nhất là chất lượng tranh luận tại phiên toà của kiểm sát viên.

Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC chủ trì thực hiện.

đ. Nâng cao chất lượng xét xử các loại án (cả về dân sự và hình sự); kiên quyết khắc phục xét xử oan, bỏ lọt tội phạm, hạn chế tới mức thấp nhất các sai sót trong các vụ án hình sự và khắc phục tình trạng chậm ra quyết định thi hành án hình sự; tập trung giải quyết trong thời hạn luật định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính. Nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết cơ bản số đơn này tại Toà chuyên trách Toà án NDTC.

Ban cán sự đảng Toà án NDTC chủ trì cùng các ngành có liên quan thực hiện

2. Tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan tư pháp cấp huyện và tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp cấp này

a. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ, từng bước bảo đảm tuyển chọn đủ cán bộ cho các cơ quan tư pháp cấp huyện, trước mắt là cán bộ có chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên), tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền cho cấp này.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với việc luân chuyển, điều động cán bộ tư pháp để tăng cường cán bộ cho địa phương, đặc biệt là cấp huyện.

Đảng ủy Công an TW, Đảng ủy Quân sự TW Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC, Ban cán sự đảng Tòa án NDTC, Ban cán tư đảng Bộ Tư pháp và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phối hợp thực hiện.

b. Tiếp tục thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp khu vực trong quân đội, chú trọng những đơn vị được thành lập mới, các đơn vị đã được tăng thẩm quyền và các đơn vị dự kiến tăng thẩm quyền.

Đảng uỷ Công an TW, Đảng uỷ Quân sự TW, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì cùng các ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phối hợp thực hiện.

c. Tiếp tục lựa chọn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách các Toà án nhân dân cấp huyện có đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử mới theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ban cán sự đảng Toà án NDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan và cấp uỷ đảng các địa phương thực hiện.

3. Tiếp tục thực hiện và hoàn thành dứt điểm một số Đề án đã nêu trong Chỉ thị 10/2002/CT-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc triền khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị

a. Đề án thành lập cơ quan giám định pháp y quốc gia

b. Đề án thực hiện việc xã hội hoá một số hoạt động thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại.

c. Đề án từng bước xã hội hoá hoạt động công chứng

d. Đề án thành lập Trung tâm thống kê tư pháp quốc gia

Ban án sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện.

đ. Đề án thay đổi tổ chức và hình thức thi hành hình phạt tử hình.

Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì thực hiện.

e. Đề án thống kê hình sự - thống kê tội phạm liên ngành

Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC chủ trì, phối hợp vớiĐảng uỷ Công an TW, Đảng ủy Quân sĩ TW, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 388/2003/NQ- UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẫm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và thực hiện các đợt đặc xá năm 2005

a. Rà soát số người bị oan, tập trung giải quyết các đơn khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự, tiến hành thương lượng và bồi thường cho người bị oan đã có đủ căn cứ, thủ tục theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư liên tịch số 01ngày 25/3/2004 của liên ngành tư pháp Trung ương và Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết này. Đối với những trường hợp không thương lượng, hoà giải được thì đưa ra Toà án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp gia các ngành hữu quan để có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình giải quyết bồi thường cho người bị oan.

Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Đảng uỷ Công an TW, Đảng uỷ Quân sự TW thực hiện đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền của ngành mình và phối hợp thực hiện đối với những vấn đề chung.

b. Chuẩn bị để thực hiện tốt chủ trương đặc xá trong năm 2005

Đảng uỷ Công an TW chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và cấp uỷ các địa phương thực hiện.

5. Tổng kết công tác thi hành án hình sự và tiếp tục tập trung giải quyết những bất cập trong công tác thi hành ân dân sự

a. Tổng kết 10 năm công tác thi hành án hình sự để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và hình phạt cũng như tổ chức tốt việc thi hành án hình sự.

Đảng uỷ Công an TW chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và cấp uỷ các địa phương thực hiện.

b. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế thi hành án và tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

- Khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật để hướng dẫn thống nhất việc thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004; tập trung soạn thảo Bộ Luật Thi hành án đúng tiến độ và có chất lượng.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức cơ quan thi hành án, bổ sung biên chế, trước hết là cho cơ quan thi hành án cấp huyện. Nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác thi hành án dân sự.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan thi hành án; tổ chức kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự ở địa phương.

- Tập trung chỉ đạo sát sao khâu tổ chức thi hành án, giảm mạnh số án tồn đọng,bảo đảm thi hành đúng nội dung bản án, quyết định đã tuyên và đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.

- Xây dựng cơ chế xét miễn, giảm khoản án phí, tiền phạt và hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng kho vật chứng, kinh phí hoạt động cho các cơ quan thi hành án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Nghiên cứu phân cấp cho chính quyền cấp xã tổ chức thi hành những bản án, quyết định của tòa án có giá trị cao hơn 500.000 VND.

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì cùng Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC, Đảng uỷ Công an TW, Đảng uỷ Quân sự TW, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện.

c. Tăng cường công tác tiếp dân, xây dựng các biện pháp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tư pháp, hạn chế tình trạng chậm giải quyết, giải quyết sai dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện.

6. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về lĩnh vực tư pháp và tổ chức tập huấn pháp luật

a. Tập trung chuẩn bị tốt dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật thi hành án và báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua.

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì cùng Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Đảng uỷ Công an TW, Đảng uỷ Quân sự TW, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC phối hợp thực hiện.

b. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật Công an nhân dân,Luật Đặc xá, Pháp lệnh thi hành án phạt tù (sửa đổi)...

Đảng uỷ Công an Trung ương chủ trì cùng Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Đảng uỷ Quân sự TW, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC, Ban cán sự đáng Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện.

c. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản...

Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng uỷ Quân sự TW, Đảng uỷ Công an TW thực hiện theo sự phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Từng dự án luật thực hiện theo đúng tiến độ, thời hạn đã đề ra trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2005.

7. Đẩy mạnh và nâng cao tính hiệu quả, thiết thực trong các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp và tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp Việt Nam trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài

a. Chú trọng công tác hợp tác quốc tế về tư pháp, nhất là các việc liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp để chuẩn bị gia nhập WTO.

Tổ chức rút kinh nghiệm, đề xuất các chủ trương, giải pháp để đưa công tác này có hiệu quả và chất lượng.

b. Xây dựng Đề án tăng cường năng lực cho các cơ quan tư pháp Việt Nam trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

c. Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến việc ký kết, gia nhập một số điều ước quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Công ước của Liên hợp quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các nghị định thư kèm theo, Công ước của Liên hợp quốc về Tòa án hình sự, đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong việc hợp tác để đấu tranh có hiệu quả đối với những loại tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì cùng với Ban Nội chính TW, Đảng uỷ Công an TW, Ban cán sự đảng Toà án NDTC, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát NDTC, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện.

8. Củng cố đội ngũ luật sư và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư

Tăng cường năng lực đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng công tác luật sư, tư vấn bảo đảm việc bào chữa đáp ứng yêu cầu tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức luật sư từ trung ương đến địa phương nhằm tiến tới thống nhất quản lý hành nghề luật sư trong cả nước, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các luật sư. Khẩn trương xây dựng đề án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Hiệp hội luật sư toàn quốc vào năm 2006.

Ban cán sự đáng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Đảng đoàn Trung ương Hội luật gia Việt Nam và cấp uỷ đảng các địa phương thực hiện.

9. Hoàn thành việc xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2020

a. Tổng kết thực hiện Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về ''Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới''.

b. Hoàn thành Đề án Chiến lược cải cách tư pháp 2006 - 2020 trình Bộ Chính trị thông qua; xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược sau khi được thông qua.

Ban Nội chính Trung ương, Tổ biên tập của Ban Chỉ đạo CCTP chủ trì hiện cùng các cơ quan pháp và các ngành có liên quan phối hợp thực hiện.

*

* *

Trên đây là những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong năm 2005 mà Ban chỉ đạo cải cách tư pháp sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp sẽ tổ chức một số cuộc kiểm tra việc thực hiện cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên.

Theo sự phân công, các cơ quan cần chủ động phối hợp với các ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt những phần việc thuộc trách nhiệm của mình. Hàng quý, cơ quan chủ trì báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện cho Ban chỉ đạo (thông qua Ban Nội chính Trung ương). Ban chỉ đạo cải cách tư pháp sẽ nghe báo cáo kết quả thực hiện trong quý trước và tiếp tục chỉ đạo trong quý tới.

Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện chương trình, tổng hợp và đề xuất các vấn đề cần đưa ra Ban chỉ đạo cho ý kiến chỉ đạo, giúp Ban chỉ đạo tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện chương trình này với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

 

Nơi nhận:

- Bộ Chính trị (để báo cáo)

- Đảng đoàn Quốc hội

- Ban cán sự đảng Chính phủ

- Văn phòng TW Đảng

- Văn phòng Chủ tịch nước

- Đảng uỷ Quân sự TW

- Đảng uỷ Công an TW

- Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát NDTC, Toà án NDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế

- Đảng đoàn TW Hội luật gia Việt Nam

- Các tỉnh, thành uỷ

- Các đ/c thành viên Ban Chỉ đạo CCTP

- Lãnh đạo Ban Nội chính TW

-Các đ/c thành viên Tổ Thư ký

- Các đơn vị trong Ban Nội chính TW

- Lưu VT, Vụ PL Ban Nội chính TW

K/T TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CCTP

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

TRƯỞNG BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

(Đã ký)

Trương Vĩnh Trọng