Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi: Tư pháp Quảng Ngãi cần phát triển ngang tầm nhiệm vụ

26/02/2009
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi: Tư pháp Quảng Ngãi cần phát triển ngang tầm nhiệm vụ
“Biên chế hành chính của Sở Tư pháp Quảng Ngãi hiện có 21 người nhưng nhiệm vụ ngày càng nhiều, trong đó có một số nhiệm vụ mới như theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bổ trợ tư pháp, nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, biên chế của Cơ quan thi hành án dân sự còn nhiều nhưng lại rất khó tuyển người”. Bà Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi phản ánh với Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Tư pháp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chiều ngày 24/2.

Giao nhiệm vụ phải đúng người

Được lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh đánh giá là đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, những khó khăn mà ngành Tư pháp Quảng Ngãi gặp phải không nằm ngoài khó khăn chung của các cơ quan Tư pháp địa phương. Mặc dù đã từng là lá cờ đầu của ngành Tư pháp, nhưng những năm gần đây, tổ chức bộ máy của Tư pháp Quảng Ngãi hầu như “dậm chân tại chỗ” trong khi đã được giao thêm rất nhiều nhiệm vụ mới.

Bà Bùi Thị Lệ Thủy cho biết, không chỉ tại Sở, tư pháp nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng đang chật vật với câu chuyện cán bộ yếu và thiếu. “Tôi đồng ý phân cấp mạnh về cơ sở là đúng nhưng cán bộ tư pháp cấp xã như hiện nay thì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã phần lớn chỉ mới có 1 người nhưng cũng thường xuyên biến động nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ” - bà Bùi Thị Lệ Thủy ý kiến. Lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV, trong đó cần quy định cụ thể số lượng cán bộ tư pháp cấp xã và Tư pháp cấp huyện để phòng tư pháp cấp huyện và tư pháp, hộ tịch cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, đối với tư pháp cấp xã, bố trí ít nhất 2 cán bộ tư pháp chuyên trách có trình độ chuyên môn từ Trung học Luật trở lên. Đối với phòng Tư pháp cấp huyện, mỗi Phòng Tư pháp bố trí ít nhất 5 biên chế. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tuyển dụng Trung cấp Luật cho Cơ quan Thi hành án dân sự các chuyện miền núi, hải đảo để địa phương dễ triển khai thực hiện.

Giải đáp ngay kiến nghị của Sở Tư pháp, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo quy định của Chính phủ, trong mấy năm gần đây, địa phương giữ ổn định biên chế hành chính, nên việc tăng biên chế hành chính cho Sở Tư pháp là điều khó có thể thực hiện được. Mặc dù đồng tình với kiến nghị của Sở rằng tư pháp cấp xã cần ít nhất 2 biên chế nhưng Chủ tịch tỉnh cho biết Quảng Ngãi đang vướng các quy định của pháp luật về số lượng công chức cấp xã. Thậm chí, đối với biên chế sự nghiệp, theo bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, dù HĐND tỉnh đề nghị tăng và thông qua nhưng Bộ Nội vụ không đồng ý thì địa phương cũng “chịu”. Muốn giải được bài toán này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể cho địa phương.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về đề nghị tăng biên chế của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường gợi ý, dù việc khống chế số lượng biên chế hành chính là của Chính phủ, của Bộ Nội vụ nhưng việc giao biên chế cho ngành nào là quyền của HĐND, UBND tỉnh. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị, trong khi Nhà nước đang chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lĩnh vực tư pháp lại liên quan trực tiếp đời sống của người dân v và môi trường đầu tư kinh doanh, vì vậy, tỉnh cũng nên có sự thay đổi, chú trọng tăng biên chế cho ngành Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ngành Tư pháp Quảng Ngãi phải giao việc đúng người, dù thiếu cán bộ cũng không được giao quyền cho những người không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ.

Việc đáng làm: Tỉnh không ngại chi

Trả lời kiến nghị của Sở Tư pháp đề nghị tăng kinh phí của tỉnh cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kinh phí xây dựng kho vật chứng và phương tiện phục vụ công tác tư pháp, ông Nguyễn Xuân Huế thẳng thắn: “Đối với những việc đáng làm, tỉnh không ngại chi. Tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật là việc đáng làm. Cái chính là Sở Tư pháp phải chứng minh được kinh phí đó sẽ được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao”. Tương tự, đối với trụ sở, các kho vật chứng phục vụ công tác Thi hành án dân sự, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khẳng định sẽ hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai nếu được Bộ hỗ trợ kinh phí xây dựng với điều kiện Sở Tư pháp phải chứng minh được tính khả thi của các dự án xây dựng này.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các ngành chức năng của tỉnh tăng cường chỉ đạo và phối hợp với ngành Tư pháp, giúp ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Tư pháp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc triển khai Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về công tác thi hành án dân sự, trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, quản lý luật sư. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng khảo sát về thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp huyện, xã trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đổi mới, phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009. Tham dự buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi và đại diện các Sở, ban, ngành: Nội vụ, Tài chính, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường đều đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với ngành Tư pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hồng Thúy