Hoạt động phối hợp trong công tác PBGDPL: Giảm cơ bản tình trạng phó thác cho cơ quan tư pháp

19/02/2009
Hoạt động phối hợp trong công tác PBGDPL: Giảm cơ bản tình trạng phó thác cho cơ quan tư pháp
Tại phiên họp thứ 17 Hội đồng phối hợp (HĐPH) công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 19/2, các thành viên HĐPH cùng đánh giá những công việc đã đạt được và trao đổi để tìm ra phương hướng nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp trong công tác PBGDPL.

Chuyển biến nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu

Đánh giá chung về hiệu quả của HĐPH sau 1 năm hoạt động, đa số các thành viên của HĐPH đều cho rằng, hoạt động của Hội đồng đã có những đổi mới về cách chỉ đạo, hướng dẫn đối với HĐPH công tác PBGDPL cấp dưới. Nhờ đó, công tác PBGDPL năm 2008 cũng có nhiều chuyển biến hơn, các cấp, các ngành đã xác định rõ vai trò của mình trong công tác này, giảm cơ bản tình trạng phó thác cho cơ quan tư pháp hay cơ quan chuyên môn như trước đây. Nhiều hình thức PBGDPL mới được phát hiện kịp thời, củng cố thêm lực lượng làm công tác PBGDPL chuyên trách và phối hợp.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, ông Lê Minh Nghĩa (Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia) thấy rằng, năm 2008, HĐPH đã làm được nhiều nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. HĐPH cũng tự thấy trong hoạt động chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các thành viên. Hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn còn bị hạn chế do các HĐPH thuộc TƯ và địa phương chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, thông tin.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, các phương thức PBGDPL chưa được vận dụng phù hợp với các đối tượng và điều kiện thực tiễn. Trong khi đó, hình thức tuyên truyền miệng là một trong những hình thức tuyên truyền chủ đạo lại mới chỉ được tập trung tổ chức cho các đối tượng là cán bộ, công chức. Ông Hoàng Ngọc Thanh (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) còn cho rằng, năm qua, việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể (nhất là công đoàn) tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong công tác PBGDPL cho công nhân lao động (CNLĐ) còn chưa được chú trọng đúng mức, hạn chế rất nhiều điều kiện tìm hiểu pháp luật của CNLĐ. Ngoài ra, cũng phải kể đến số lượng hạn chế về tài liệu, kinh phí cho hoạt động PBGDPL và HĐPH…

Cần phát huy vai trò báo cáo viên cơ sở

Với mục tiêu tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp của Hội đồng và đưa hoạt động PBGDPL vào thực chất, các thành viên HĐPH nhất trí phải xác định trọng tâm của hoạt động PBGDPL năm 2009 là hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu của người dân và nhất là phát huy vai trò của lực lượng báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) cấp cơ sở.

Các thành viên Hội đồng đều cho rằng, cần xây dựng được đội ngũ BCV, TTV mạnh ở tất cả các ngành, các cấp mới giải quyết được những khó khăn trong cơ chế phối hợp về PBGDPL. Muốn vậy, ông Hưng (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hoà Bình) đề nghị phải “chính danh định phận”, bồi dưỡng cho những người làm công tác tuyên truyền để vừa “giữ chân” họ, vừa tạo vị trí pháp lý rõ ràng để họ có thể thực hiện tốt công việc “trừu tượng và cần bài bản” này – như nhận xét của bà Trịnh Minh Hiền (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT). Không những thế, cần cụ thể hoá “danh phận” của các BCV, TTV bằng thẻ BCV. Thực tiễn công tác PBGDPL trong ngành giáo dục đào tạo, Hội Luật gia đã chứng minh, thẻ BCV đã phát huy tác dụng rất tốt để khuyến khích và tăng trách nhiệm cho những người làm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở các cơ sở. Đó là khẳng định của ông Chu Hồng Thanh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT) khi đề cập đến vai trò của thẻ BCV đối với hiệu quả công tác PBGDPL.

 Theo bà Hà Thị Liên (Uỷ viên thường trực UBTƯ MTTQVN), đội ngũ BCV cơ sở hiện đã được quan tâm hơn, thông qua việc tập huấn thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn cần phát huy vai trò của đội ngũ này, nhất là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các công tác viên là thành viên các hội nghề nghiệp, bằng nhiều biện pháp hơn nữa vì họ là những người “bám” cơ sở, tiếp xúc thường xuyên với người dân nên có khả năng đưa pháp luật đến với người dân nhanh và hiệu quả. Trong đội ngũ BCV, TTV, ông Nguyễn Văn Hiến (Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng phóng viên. Theo ông, đội ngũ này cần được tập huấn để có thể tham gia vào công tác PBGDPL có chất lượng hơn thông qua lợi thế nghề nghiệp.

Tăng trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền

Từ trước đến nay, khi đề cập đến tồn tại, hạn chế trong hoạt động phối hợp PBGDPL, điều quan tâm đầu tiên là vấn đề kinh phí và cơ chế phối hợp. Song theo ông Văn Tất Thu (Thứ trưởng Bộ Nội vụ), muốn nâng cao chất lượng của HĐPH và công tác PBGDPL thì nâng cao chất lượng và trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền về PBGDPL. Bởi nếu các cấp có thẩm quyền không xác định rõ trách nhiệm trong hoạt động này thì dù kinh phí đủ, có cơ chế phối hợp, có BCV thì chất lượng phối hợp và PBGDPL cũng khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Do đó, ông Thu kiến nghị nên đưa các qui định về trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền về PBGDPL vào dự án Luật PBGDPL (Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo) nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề này.

Ngoài ra, để chất lượng của hoạt động PBGDPL năm 2009 thực sự đạt được chiều sâu, các thành viên HĐPH đã đưa ra nhiều biện pháp như chọn địa bàn hẹp (khu dân cư, tổ dân phố, tổ hoà giải…) để đầu tư tuyên truyền, PBGDPL, tập trung tuyên truyền cho CNLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thể chế hoá cơ chế hoạt động của các hình thức tuyên truyền, sân khấu hoá các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…/.

Huy Long

Chủ tịch HĐPH công tác PBGDPL của Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Công việc của HĐPH còn rất lớn. Để tạo chuyển biến lớn trong hoạt động PBGDPL năm 2009, hình thức, phương thức PBGDPL phải bám sát từng địa bàn, nhóm dân cư, đối tượng…, lựa chọn các văn bản pháp luật có nội dung phù hợp nhu cầu tìm hiểu của người dân, liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội nổi bật. HĐPH các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện tốt 4 đề án trong Chương trình PBGDPL giai đoạn 2008 – 2012, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng ngành. Năm 2009, phải tháo gỡ những khó khăn trong công tác PBGDPL như thẻ BCV, sửa đổi Thông tư 63 về kinh phí hoạt động PBGDPL… Bên cạnh đó, các ngành các cấp phải tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền các giải pháp, biện pháp phù hợp nhằm tạo sự đồng bộ trong hoạt động phối hợp về PBGDPL, tự kiểm tra và kiểm tra, thường xuyên báo cáo…”