Chuyến công tác tại các tỉnh Tây nguyên của Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu kết thúc vào chiều ngày 12/2/2009, sau khi có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Đoàn Luật sư) tỉnh Đắk Nông về công tác cải cách tư pháp Đắk Nông . Kế đó, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh.
· “Phổ cập” cử nhân luật cho tư pháp cấp xã
Trình bày với Đoàn công tác, đại diện các cơ quan tư pháp cho rằng, họ gặp khó trong quá trình tiến hành tố tụng. Bởi theo quy định của pháp luật, đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng và người phạm tội là vị thành niên thì khi xét xử phải có luật sư tham gia, nhưng thực tế các luật sư không hề muốn làm công việc này, nếu không muốn nói “né tránh”. “Công tác pháp y cũng có hoàn cảnh tương tư, bác sỹ làm công tác này chỉ là kiêm nhiệm” – ông Lương Ngọc Lếch, đại diện cơ quan công an tỉnh cho biết.
Điều đáng mừng là không giống như ở Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk, cán bộ tư pháp cấp xã đều thiếu và yếu nhưng phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên một địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở, phức tạp, nhiều dân tộc. “Dù chỉ mới thành lập tỉnh được 5 năm, nhưng Đắk Nông lại có lực lượng cán bộ tư pháp cấp xã hùng hậu. Cụ thể, trong số 71 phường – xã – thị trấn thì có đến 2/3 cán bộ có trình độ trung cấp luật, 9 cán bộ cử nhân luật. Điều đáng mừng là hầu hết cán bộ tư pháp cấp xã có trình độ trung cấp đều đang theo học cử nhân luật” – ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông cho biết. Có thể nói, ngoài chức năng tham mưu, chính quyền cấp xã còn giao rất nhiều việc cho cán bộ tư pháp - đồng nghĩa với việc không thể quán xuyến hết công tác tư pháp, hộ tịch của mình; chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành tư pháp, đặc biệt là sau khi có sự phân cấp mạnh mẽ về công tác quản lý hộ tịch, chứng thực cho UBND huyện và UBND cấp xã. Ngoài ra, khối lượng việc nhiều, nặng nề nhưng biên chế chỉ có một – là bức xúc của nhiều địa phương mà Đoàn công tác ghi nhận.
Ông Sơn cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh cũng đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị... Đặc biệt, Sở phối hợp với trường Đại học Luật TP.HCM mở lớp cử nhân luật tại địa phương nhằm nâng cao trình độ và tạo nguồn cán bộ pháp luật cho tỉnh với hơn 100 học viên đang theo học năm thứ 3. Khi được hỏi về nhu cầu đào tạo trung cấp luật như ở Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk, ông Sơn cho biết: “Đắk Nông không có nhu cầu về đào tạo trung cấp luật, do vậy có dạy cũng chẳng ai học. Bởi hiện hầu hết những người “yêu” công tác tư pháp chỉ muốn học cử nhân mà thôi”.
· Rèn “cái tâm” trong thực thi pháp luật
Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ vui mừng trước những thành tựu Đắk Nông gặt hái được trong điều kiện của một tỉnh mới được thành lập chỉ sau 5 năm, đặc biệt là công tác tư pháp, thi hành án. Bộ trưởng phấn khởi khi thấy công tác phối kết hợp giữa các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh nhịp nhàng, hiệu quả.
Về công tác cải cách tư pháp (CCTP), Bộ trưởng cho rằng, nhận định của Ban chỉ đạo CCTP TW, trong hơn 3 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW về cơ bản, công tác CCTP đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, Thể chế, chính sách về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp được hoàn thiện một bước khá quan trọng. Kế đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chuyển biến rõ nét theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và bảo đảm đúng quy định của pháp luật. So với trước khi có Nghị quyết 49-NQ/TW, việc bắt, giam, giữ đã được xem xét thận trọng hơn trên cơ sở pháp luật, khắc phục một bước quan trọng việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt oan, sai; tỷ lệ bắt, giam, giữ đưa ra truy tố đạt cao.
Phát biểu chỉ đạo với các tỉnh vùng Tây nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và cả Đắk Nông, Bộ trưởng nói: “Với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo CCTP TW, Bộ trưởng cho rằng công tác xét xử – trọng tâm của CCTP thời gian qua được xem xét thận trọng, đúng pháp luật và tình trạng tồn đọng án phúc thẩm cơ bản được khắc phục”. Ngoài ra, chất lượng xét xử tốt của các toà án cấp huyện đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương tăng thẩm quyền cho toà án cấp này, là tiền đề cho việc xây dựng toà án sơ thẩm khu vực. Bên cạnh đó, vai trò của luật sư được nhìn nhận tích cực hơn và dần khẳng định vị thế trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác thi hành án dân sự và hình sự đạt được nhiều kết quả tiến bộ hơn trước... Song, không vì thế mà chủ quan trong việc tiếp xúc với dân. Bởi thi hành án là công việc đặc thù và “nhạy cảm”. Vì vậy, ngoài lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi chấp hành viên phải khôn khéo, biết phối kết, thực sự có “cái tâm”... Bộ trưởng Hà Hùng Cường truyền đạt.
Phong Trần
Nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2009-2010: Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, tập trung nghiên cứu xác định rõ mô hình tố tụng của nước ta, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp và hệ thống các văn bản pháp luật theo hướng bảo đảm nguyên tắc hiến định về độc lập xét xử thực sự có tính khả thi trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc 2 cấp xét xử, giảm tối đa việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Hoàn thành các Đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và cơ quan thi hành án) trên cơ sở gắn kết nghiên cứu về lý luận và tổng kết thực tiễn CCTP đặt trong mối quan hệ với cải cách tổng thể bộ máy nhà nước, với cải cách các cơ quan lập pháp, hành pháp; Xây dựng quy hoạch với tầm nhìn dài hạn để có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp cho tương lai. Đổi mới cơ chế đào tạo, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ có chức danh tư pháp... |