Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Đặt lợi ích của dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế lên trên hết

10/02/2009
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Đặt lợi ích của dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế lên trên hết
Hôm nay (10/02/2009), trong chuyến công tác của Đoàn Bộ Tư pháp ở các tỉnh Tây Nguyên, tại thành phố Pleiku, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dự và chỉ đạo “Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2009” - Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Bộ trưởng đã trao hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và tám bằng khen Bộ Tư pháp cho các cá nhân, tập thể cơ quan thi hành án, cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
  •  Tránh lãng phí thời gian của dân

Ông Dương Thanh Hà, Trưởng phòng Tư pháp thị xã An Khê nói, Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, thì các quyết định ban hành quy chế, quy định, kế hoạch... không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng rất nhiều văn bản do trung ương ban hành lại là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Ông Hồ Phi Sơn - Trưởng phòng Tư pháp huyện Ia Pa cho rằng: Việc tăng thẩm quyền cho cấp xã phường đồng nghĩa với việc tăng thêm việc, chưa nói Chủ tịch các cấp xã, huyện cũng tăng thêm công việc cho cán bộ tư pháp. Thậm chí những cán bộ tư pháp làm tốt công tác tham mưu, tư vấn, kiểm tra văn bản... thì thường được luân chuyển sang làm những công việc khác - gây khó khăn cho công tác cán bộ.

            Một cán bộ tư pháp huyện nói, nhiệm vụ công tác cấp huyện hiện rất nhiều, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi cả hệ thống chính trị, vì vậy tăng thêm biên chế là việc làm cần thiết. Về hộ tịch, tình trạng học sinh học trước tuổi; đồng bào dân tộc có sai sót nhiều về tên và tuổi xảy ra rất nhiều; đề nghị cho cơ chế đối với học sinh học trước tuổi hoặc cả những con em đồng bào dân tộc có tuổi lớn cũng được theo học theo một cơ chế mới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Hùng Cường phát biểu: “Điều đáng mừng là tỉnh đã có những bước phát triển khởi sắc, đặc biệt là năm 2008, trong khi cả nước gặp khó khăn nhưng Gia Lai lại có tăng trưởng cao, góp chung cả nước vượt qua lạm phát. Theo Bộ trưởng, cái gì tốt trong năm 2008 thì phát huy, cái gì chưa tốt thì tìm nguyên nhân khắc phục. Tư pháp Gia Lai cần tranh thủ sự chỉ đạo Bộ, Ngành, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ chính quyền Gia Lai. Góp phần tích cự vào việc hoạch định chính sách, quản lý xã hội bằng pháp luật ở địa phương. Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật, làm đơn giản văn bản nhất là trong lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp, xây dựng, tài chính... tránh lãng phí thời gian. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức ngành THA tiếp tục truyền thống tốt đẹp của tỉnh (năm 2008 đạt hơn 82% về tiền). Đồng thời giải quyết các khiếu nại trong THA một cách ổn thỏa - đây là lĩnh vực phức tạp, “nhạy cảm” dễ ảnh hưởng đến xã hội, an ninh chính trị. Nhất là cần sử dụng nhiều hình thức phong phú trong việc mang pháp luật đến với đồng bào dân tộc. Hướng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng tiếp giáp biên giới...

  • Hoàn thiện pháp luật tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

Ngoài ra, với tinh thần cơ bản trước 2010, nước ta bước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Vì vậy, ngay trong Hội nghị ngành Tư pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và có những chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm đối với ngành tư pháp, nhất là công tác tư pháp ngay trong năm 2009 này. Chủ động tham mưu cho UBND, đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế lên trên hết. Thủ tướng nói rõ, “Không thể để bộ máy tư pháp cấp huyện, xã như hiện nay. Phải kiện toàn cán bộ tư pháp cấp huyện xã, tới đây sẽ mở nhiều trường đào tạo trung học luật chính quy ở nhiều nơi. Trước hết có thể xây dựng tại khu vực Tây Nguyên.

            “Cần tạo ra sự thay đổi về chất, trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật của địa phương. Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đất nước muốn thoát khỏi kém phát triển vào năm 2010, thì hệ thống pháp luật cũng cũng theo xu hướng đó. Đối với lĩnh vực THA, Bộ trưởng cho rằng, trước mắt triển khai thực hiện cho tốt Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành luật - tạo sự chuyển biến toàn diện hơn trong công tác tư pháp. “Tôi muốn nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngành Tư pháp là cho dù trong mô hình cơ quan THA được tổ chức theo ngành dọc, nhưng không thể thoát ly khỏi sự quản lý của cấp ủy và chính quyền; sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành địa phương, đặc biệt là cơ quan tư pháp.

            Mọi giao dịch mang tính chất hợp đồng về bất động sản cần trả lại cho đúng việc của công chứng - đó chính là tinh thần của Luật Công chứng - tinh thần đó phải mang giải thích lại những quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, những thông tư liên ngành do chính Bộ Tư pháp ban hành. Bởi, hợp đồng giao dịch là trách nhiệm làm việc của công chứng thì công chứng viên phải thực hiện. Làm sao để chất lượng phải bảo đảm, từ đó bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của người dân, của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa những yếu tố có thể gây mất ổn định. Sự mất ổn định đó không phải xảy ra hôm nay, mà vài ba năm sau mới phát sinh thì rất nguy hiểm - Bộ trưởng chỉ đạo.

Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong sự thành công chung của tỉnh năm 2008 có sự đóng góp rất lớn của ngành tư pháp. Song, đối với đồng bào dân tộc, chúng ta cần biên soạn, hướng dẫn áp dụng như thế nào để họ có thể hiểu và áp dụng vào thực tế cuộc sống. Đối với THA “cần làm thấu tình đạt lý”, xem xét vụ việc một cách cụ thể, không nên máy móc. Theo ông Dũng, Gia Lai cũng là tỉnh đi đầu về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo, đối thoại trực triếp với công dân, vì vậy sẽ hạ nhiệt được “điểm nóng”. Về con người, chưa thấy Sở Tư pháp đăng ký làm việc với UBND, thực tế Thanh tra Nhà nước cũng đã trực tiếp làm việc về vấn đề tăng biên chế. Về chi phí, dù tỉnh nghèo nhưng không phải không có để sử dụng vào công tác tuyên truyền. Cần bao nhiêu, Sở cần có kế hoạch, đề án rõ ràng thì tỉnh cũng sẽ xem xét giải quyết.        

Phong Trần