Ngày 09/02/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại 4 tỉnh Tây nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Kon Tum là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn, với buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và các cơ quan tư pháp của tỉnh về cải cách tư pháp cũng như công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác cũng đã thăm và làm việc cán bộ, công chức Sở Tư pháp Kon Tum.
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Tất Quyết, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cho biết: “Là địa phương có 51/98 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong số 51 xã còn có 14 xã trọng điểm mà HĐND phải ra nghị quyết và cơ chế riêng - đây là những xã cực kỳ khó khăn, thậm chí có 4 xã không có đường ô tô vào trung tâm xã... Cụ thể, từ Văn phòng Sở, Trung tâm Trợ giúp pháp lý vỏn vẹn chỉ có 04 biên chế, Trung tâm Bán đấu giá tài sản 02 biên chế, dẫn đến cán bộ tư pháp phải làm công tác kiêm nhiệm, không thể bao quát hết mảng công tác của mình được. Tuy nhiên không thể không thừa nhận tính ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum những năm qua. Dù là tỉnh nghèo, khó khăn song không vì thế mà không linh hoạt, bố trí nguồn nhân lực cho hoạt động tư pháp.
Ông Quyết cho biết thêm, với địa hình chia cắt, phức tạp, dân cư thưa thớt, vùng biên giới dài, một số khu vực “nhạy cảm”... thì việc phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và bám địa bàn đối với cán bộ tư pháp địa phương là rất vất vả, nhưng những điểm “nóng” về khiếu nại, tranh chấp đều có mặt cán bộ tư pháp. Đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh có đến 383 hộ với 1153 nhân khẩu (trong đó có 25 cặp nam nữ sống chung không đăng ký hộ khẩu) hầu hết là công dân của Lào có nguyện vọng được nhập quốc tịch Việt Nam nhưng Sở không thể giải quyết được - đây cũng là bức xúc của Lãnh đạo tỉnh.
Ông Trần Minh Thắng, Trưởng phòng Pháp luật (gộp cả 3 phòng: Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp) nói, hiện cả phòng chỉ có 4 người, công việc nhiều, khó có thể quán xuyến hết công tác chuyên môn một cách chu đáo. Ông Thắng phản ánh: Hiện công tác chứng thực ở không ít xã trên địa bàn tỉnh không thống nhất với nhau. Có nơi Văn phòng UBND chứng thực, có nơi cán bộ địa chính cũng chứng thực các giao dịch liên quan đến đất đai. Vì vậy, vai trò cán bộ tư pháp xã ở những nơi này không được thể hiện. Quan tâm công tác đào tạo cán bộ tư pháp, ông Đinh Xuân Thuỷ, Trưởng phòng Tổ chức xây dựng ngành nói: Sở đã triển khai thực hiện việc liên kết đào tạo trung cấp luật nhằm củng cố lực lượng cán bộ tư pháp xã. Việc đào tạo được chính quyền tỉnh đài thọ về chi phí. Nhưng hiện gặp vài “khó khăn” trong quá trình chọn đối tác để đào tạo... Về vấn đề này, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã “tư vấn, hướng dẫn”, tạo điều kiện để lớp học sớm được triển khai.
|
- Tích cực tham mưu, đề xuất
Ông Hà Ban - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhìn nhận: “Sở Tư pháp là chỗ dựa tin cậy của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND trong việc tham mưu, thẩm định, kiểm tra văn bản, thậm chí cả những văn bản của cấp dưới ban hành trái thẩm quyền cũng bị phát hiện, điều chỉnh kịp thời...”. Theo ông Ban, do điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp nên việc triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý thuộc “Chương trình 135, giai đoạn II” của tỉnh gặp khó. Ông Ban đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ sớm có hướng giải quyết vấn đề quốc tịch của cư dân Lào đang di cư tự do và sinh sống tại khu vực biên giới (huyện Đắk Glei và huyện Ngọc Hồi).
Sau khi nghe lãnh đạo Viện kiểm sát, TAND và Công an tỉnh Kon Tum nói về công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, Bộ trưởng lấy làm vui khi sự phối hợp giữa các cơ quan này thật suôn sẻ và mang lại hiệu quả tốt, nhất là phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn đối với địa phương có đất đai rộng lớn, dân tộc nhiều nhưng nhân sự lại ít, kinh tế - xã hội thì chưa phát triển mạnh. Song điều đáng mừng và nổi bật là Sở Tư pháp đã bám sát được công tác văn bản trên địa bàn. Bộ trưởng yêu cầu Sở Tư pháp thực hiện công tác tham mưu, đề xuất, cụ thể và nhiều hơn nữa đối với Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, kể cả về nhân sự. Nếu có một Đề án cụ thể nào về tư pháp thì Bộ sẵn sàng tạo điều kiện ngay, kể cả hỗ trợ về chi phí. Có như thế thì công tác tư pháp mới được phát triển và thể hiện vai trò quan trọng của mình trong giai đoạn mới.
Về công chứng, chứng thực, Bộ trưởng nhấn mạnh: Mọi giao dịch mang tính chất hợp đồng về bất động sản (đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, cây lâu năm...) cần trả lại cho đúng việc của công chứng - đó chính là tinh thần của Luật Công chứng - tinh thần đó phải mang giải thích lại những quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, những Thông tư liên ngành do chính Bộ Tư pháp ban hành. Vì sau khi Luật Công chứng ra đời thì nó phải khác. Bởi, hợp đồng giao dịch là trách nhiệm làm việc của công chứng. Làm như thế nào để chất lượng phải bảo đảm, từ đó bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của người dân, của doanh nghiệp. Như thế mới có thể hạn chế, ngăn ngừa những yếu tố có thể gây mất ổn định. Sự mất ổn định đó không phải xảy ra hôm nay, mà vài ba năm sau mới phát sinh thì rất nguy hiểm.
Liên quan đến vấn đề quốc tịch đối với các cư dân Lào có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã đề cập vấn đề này cụ thể với nước bạn (Lào) và sẽ báo cáo với Chính phủ để có hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Phong Trần