Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Gia Lai: Phát triển xã hội bằng cải cách tư pháp

11/02/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Gia Lai: Phát triển xã hội bằng cải cách tư pháp
Chiều ngày 10/2/2009, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh cùng đại diện các cơ quan tư pháp trên địa bàn như, Viện Kiểm sát, Toà án, Công an, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai về công tác cải cách tư pháp ở các cơ quan này.

Với tư cách là thành viên của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (CCTP TW), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Nhận định của Ban chỉ đạo CCTP TW, hơn 3 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW đã đạt được những kết quả tích cực. Về cơ bản, công tác CCTP đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

  • Tạo dân chủ không chỉ ở phiên toà...

Ông Phạm Đình Thu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ – Trưởng Ban chỉ đạo CCTP Gia Lai cho biết: “Đã có nhiều cố gắng trong việc thụ lý, giải quyết các vụ án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều tiến bộ và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, việc tổ chức các phiên toà xét xử lưu động tại địa phương nơi bị cáo phạm tội – góp phần quan trọng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Các Hội đồng xét xử đã thực hiện mở rộng dân chủ, phát huy quyền của bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để công khai tranh tụng tại phiên toà. Từ đó góp phần cho Hội đồng xét xử ban hành các quyết định, bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Theo ông Thu, vẫn còn xảy ra trường hợp giam chung giữa người bị giam giữ với bị can; giữa người chưa thành niên và người thành niên; giữa người phạm tội nghiêm trọng với người phạm tội ít nghiêm trọng... Ngoài ra, công tác kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp vẫn còn thiếu sót. Cụ thể, năm 2008, Toà án còn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung 53 vụ, Viện chấp nhận điều tra bổ sung chứng cứ và do vi phạm tố tụng 29 vụ và phát sinh tình tiết mới tại toà 6 vụ...

Theo Ban Chỉ đạo CCTP, từ năm 2005 đến nay, Quốc hội đã thông qua 14 luật, bộ luật; 05 pháp lệnh và 08 nghị quyết về lĩnh vực tư pháp tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc CCTP. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có chuyển biến rõ nét theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và bảo đảm đúng quy định của pháp luật. So với trước khi có Nghị quyết 49, việc bắt, giam, giữ đã được xem xét thận trọng hơn trên cơ sở pháp luật, khắc phục một bước quan trọng việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt oan, sai; tỷ lệ bắt, giam, giữ đưa ra truy tố đạt cao; công tác xét xử được xem xét thận trọng, đúng pháp luật và tình trạng tồn đọng án phúc thẩm đã cơ bản được khắc phục. Chất lượng xét xử tốt của các toà án cấp huyện đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương tăng thẩm quyền cho toà án cấp này, là tiền đề cho việc xây dựng toà án sơ thẩm khu vực. Chủ trương “mở rộng tranh tụng tại phiên toà” được chỉ đạo triển khai áp dụng đối với tất cả các loại vụ án, tạo không khí dân chủ hơn trong từng phiên toà. Kế đó, vai trò của luật sư được nhìn nhận tích cực hơn và dần khẳng định vị thế trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng...

  • CCTP toàn diện hơn

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 49 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về mặt chủ trương, chính sách và khía cạnh thực tiễn. Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, của một bộ phận cán bộ tư pháp và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác tư pháp, CCTP còn chưa toàn diện. Chưa xác định rõ lộ trình và các yếu tố bảo đảm trong từng giai đoạn thực hiện Chiến lược CCTP. Sự phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP còn thiếu chặt chẽ nên một số vướng mắc, khó khăn chậm được khắc phục, tháo gỡ. Chưa hết, chất lượng hoạt động tư pháp còn nhiều bất cập; Số lượng án tạm đình chỉ điều tra còn nhiều; chất lượng thực hành quyền công tố còn hạn chế, nhất là trong việc tranh tụng tại phiên toà; chưa có biện pháp hữu hiệu để tăng cường trách nhiệm của kiểm sát đối với hoạt động điều tra.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao những cố gắng và kết quả khá ấn tượng của các cơ quan tư pháp Gia Lai trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là các chức danh tư pháp. Cụ thể, Công an tỉnh mở 2 lớp đại học đào tạo điều tra viên; Sở Tư pháp mở các lớp trung cấp luật đào tạo cán bộ tư pháp cơ sở, 3 năm giảm được 95 người chưa qua đào tạo; 100% chấp hành viên đã được đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp... Chất lượng, hiệu quả của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo tinh thần CCTP có những chuyển biến bước đầu tích cực, góp phần thúc đẩy và bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc cải cách tư pháp ở Gia Lai trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế: “Chưa thật sự đồng bộ để đảm bảo thực hiện các yêu cầu trọng tâm, có tính chất đột phá của CCTP là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà và tăng thẩm quyền xét xử của toà án cấp huyện. Việc tổ chức các phiên toà theo tinh thần cải cách, mở rộng tranh tụng trên thực tế còn khá hạn chế với tỉ lệ tham gia của luật sư và trợ giúp viên pháp lý vào các phiên toà còn quá thấp (khoảng 20%, trong đó quá nửa là án chỉ định)”....

Ban chỉ đạo CCTP TW xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp và hệ thống các văn bản pháp luật theo hướng bảo đảm nguyên tắc hiến định về độc lập xét xử thực sự có tính khả thi trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc 2 cấp xét xử, giảm tối đa việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Phong Trần