Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Lãnh đạo tỉnh Đắc Lắk: Tranh thủ sự phối hợp để làm tốt công tác tư pháp

12/02/2009
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Lãnh đạo tỉnh Đắc Lắk: Tranh thủ sự phối hợp để làm tốt công tác tư pháp
Chiều ngày 11/2/2009, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây nguyên, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp của tỉnh Đắk Lắk về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên địa bàn. Trước đó, Đoàn công tác có buổi làm việc ngắn với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh.

·        Chủ tịch UBND tỉnh: “Lo cho tư pháp là lo cho chính mình”

Trình bày với Đoàn công tác, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Năm 2008, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành địa phương phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác và hướng mọi hoạt động về cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Một loạt các vấn đề của tỉnh được ông Cư trình bày với Đoàn công tác, trong đó ông Cư nhấn mạnh, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, nhằm tạo cơ sở pháp lý ở tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp để các sở, ngành địa phương hoạt động. Nhờ đó các nhiệm vụ công tác tư pháp được triển khai đồng bộ và sâu rộng trên địa bàn tỉnh. “Riêng phần trách nhiệm quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn có ý thức chăm lo cho cơ quan tư pháp - quan tâm Sở Tư pháp và THADS cũng chính là lo cho chính mình” – ông Cư bộc bạch như thế.

Về công tác thi hành án dân sự (THADS), ông Cư nói: Đây là lĩnh vực khó khăn, thách thức và nhiều bất cập. Do đó, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở ngành liên quan, UBND các địa phương và THADS triển khai, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về THADS. Năm 2008, THADS tỉnh và 14 cơ quan THADS cấp huyện thi hành xong hoàn toàn 7.139 việc, đạt 84,68% số việc (tăng 3,72% so với năm 2007); về số tiền là 96,6 tỷ đồng, đạt 80,51% (tăng 20,91% so với năm 2007).

Tuy nhiên, ông Cư nhìn nhận, dù đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực công tác, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Theo ông Cư, cán bộ tư pháp cấp xã vẫn chưa được cấp uỷ, chính quyền địa phượng quan tâm đúng mức, đó là chưa nói đến không ít cán bộ tư pháp xã chưa qua đào tạo trung cấp luật, trong khi “sức ép” công việc và yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền...

Ngoài ra, ông Cư “tha thiết” kiến nghị Bộ Tư pháp sớm triển khai đế án xây dựng trường Trung cấp luật tại Đắk Lắk nhằm đào tạo cho cán bộ, công chức cấp xã, có như thế thì cán bộ cấp này mới làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho UBND tốt hơn. Bởi hầu hết sinh viên đại học luật ở Đắk Lắk sau khi ra trường đều không trở về địa phương, nên không có nguồn tuyển dụng cho các cơ quan tư pháp.

·        Phải thể hiện vai trò của công tác tư pháp

“Năm 2008, quả là khó khăn, nửa năm đầu Chính phủ ra sức kiềm chế lạm phát, nhưng cuối năm thì ngược lại - phải đương đầu với thiểu phát. Song có sự “ra tay” đồng thuận của cả hệ thống chính trị thì tình hình chuyển biến rõ nét. Điều mừng là trong thời điểm khó khăn đó, Đắk Lắk có sự ổn định và phát triển. Với tư cách là thành viên của Chính phủ, Tôi bày tỏ sự trân trọng trước thành tựu mà tỉnh đạt được” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan tư pháp Đắk Lắk như thế.

Các vấn đề về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hộ tịch... cũng được Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt là công tác hộ tịch. Được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò ham mưu, giúp việc của Sơ Tư pháp, THADS, Bộ trưởng chia sẻ và bày tỏ sự đồng tình của mình. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo hơn nữa đối với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và tư pháp xã. Nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay, đòi hỏi các cơ quan tư pháp thể hiện cao vai trò của mình nhằm giúp dân, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thời gian, công sức của người dân.

Ngày 1/7/2009 tới đây, Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực pháp luật, Bộ trưởng khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng luật đã có hiệu lực mà phải chờ nghị định và thông tư hướng dẫn. Bộ trưởng mong tất cả các đồng chí lãnh đạo THADS của tỉnh và thành phố cũng như của các huyện khi Luật THADS có hiệu lực tiếp tục có được sự tin tưởng của cấp uỷ và chính quyền để có thể kiện toàn THADS ở trên địa bàn tỉnh, xứng tầm với bộ máy mới, vị thế mới của mình - đó là một thể chế mới, xứng tầm với nhiệm vụ chính trị được giao. Nhưng Bộ trưởng trăn trở, sau khi tách khỏi Sở Tư pháp thì THADS có đảm đương được nhiệm vụ mới hay không? Điều này còn phải nhờ vào chính quyền địa phương. Còn về câu chuyện công chứng, chứng thực vẫn là lo đối với Bộ trưởng. Bởi, sau khi “trả lại” nhiệm vụ, vai trò cho công chứng, chứng thực, thì rõ ràng những giao dịch hợp đồng liên quan đến đất đai, nhà cửa... phải giao cho công chứng. Do công chứng là về nội dung, chứ không phải là về hình thức: Chỉ sao y giấy tờ, chứng thực chữ ký... như UBND vẫn làm. Mà công chứng là chịu trách nhiệm “suốt đời” đối với dân, bảo đảm tính pháp lý giao dịch cho dân và doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... Như thế mới có thể ngăn ngừa những tiềm ẩn bất ổn trong dân.

Phong Trần