Chưa chủ động trong việc tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đang gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý luật sư, công chứng, chứng thực…. Tại buổi làm việc ngày 23/2, cả Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà đều yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp phải khắc phục ngay hạn chế này.
Yêu cầu bức thiết: Đổi mới công tác cán bộ
Theo báo cáo của ông Phan Phi Hổ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, ngành Tư pháp tỉnh Bình Định đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khó khăn mà ngành Tư pháp Bình Định đang gặp phải hiện nay là công tác cán bộ và sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các ngành khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Không chỉ thiếu cán bộ, một số lượng rất lớn cán bộ tư pháp cấp xã của tỉnh chưa qua đào tạo. Trong nhiều kiến nghị mà Sở Tư pháp đặt ra đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đoàn công tác của Bộ Tư pháp, có nhiều khó khăn xuất phát chính từ sự hạn chế trong năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ.
Ông Phan Phi Hổ cho biết, từ khi Luật Công chứng ra đời, Sở có 3 phòng công chứng thì chỉ có Phòng công chứng số 1 duy trì được hoạt động thường xuyên, 2 Phòng công chứng còn lại rơi vào tình trạng thiếu việc làm, trong khi công tác chứng thực tại cấp xã, phường luôn quá tải. Trả lời ngay kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, các phòng công chứng của tỉnh thiếu việc làm là do Sở chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh xem xét chuyển các hợp đồng giao dịch về nhà cửa, đất đai, bất động sản cho các Phòng công chứng đảm nhiệm. Nhiều địa phương khác trên cả nước đã làm được điều này, vừa giảm tải cho chứng thực tại tư pháp cấp xã, vừa duy trì hoạt động của các phòng công chứng và quan trọng hơn là đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Ngay trong công tác quản lý Đoàn Luật sư, Sở báo cáo đang gặp rất nhiều khó khăn do nhận định đây là công việc phức tạp, Luật sư của tỉnh hoạt động trên nhiều địa bàn khác ngoài phạm vi của tỉnh nên rất khó cho công tác quản lý. Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải đáp, việc luật sư hoạt động ngoài địa bàn là chuyện bình thường do đặc thù nghề nghiệp của luật sư. Tất cả những gì luật không cấm thì luật sư được quyền thực hiện. Cái chính là Sở phải nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng được sự phát triển của đội ngũ luật sư, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận công lý.
|
Sở Tư pháp cũng rất băn khoăn trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chí để phân biệt văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật theo quy định của Nghị định 91/2006/NĐ-CP chưa rõ ràng nên trong quá trình ban hành văn bản, các cơ quan chuyên môn không gửi dự thảo văn bản sang Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành. Việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật còn phức tạp, nhất là đối với hình thức Nghị quyết của HĐND. Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan tư pháp có kiến nghị nhưng HDND phải chờ đến kỳ họp gần nhất mới xử lý được. Trong khi đó, Bí thư tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà lại cho rằng: “Văn bản còn chồng chéo, hiệu lực thi hành không cao là do cán bộ làm công tác thẩm định không nắm chắc kiến thức trên nhiều lĩnh vực nên không làm tốt công tác tham mưu”. Chỉ đạo giải quyết khó khăn này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Sở Tư pháp Bình Định phải tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Nguyên nhân của việc cán bộ làm công tác thẩm định văn bản còn băn khoăn đâu là văn bản pháp quy, đâu là văn bản thông thường xuất phát từ sự hạn chế về trình độ chuyên môn. Sự thiếu phối hợp của Tỉnh ủy, UBND, HDND các cấp và các ngành chức năng khác có một phần từ trọng lượng tiếng nói ngành Tư pháp Bình Định chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu ngành Tư pháp Bình Định phải đặc biệt chú trọng đổi mới công tác cán bộ, sao cho đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nhiều mà ngành Tư pháp được giao.
Thi hành án: Tỉnh cho đất, Bộ cho tiền để xây trụ sở
Một lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định là công tác thi hành án dân sự. Ngay tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện đã thống nhất với Bộ trưởng Hà Hùng Cường nguyên tắc “Tỉnh cho đất, Bộ cho tiền” để giúp Thi hành án dân sự tỉnh xây trụ sở. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu ngành Tư pháp phải củng cố Ban Chỉ đạo THA dân sự của tỉnh và giải quyết có hiệu quả những vụ việc còn tồn đọng. Ông Hồ Quang Vinh, Trưởng THA tỉnh Bình Định cam kết trong thời gian tới sẽ chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ này, đồng thời nỗ lực triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về công tác Thi hành án dân sự.
Hồng Thúy