Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế

24/07/2008
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 23 tháng 7 năm 2008, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp tới thăm, làm việc với Ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Cục Thi hành án dân sự, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ Kế hoạch tài chính. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự

Được sự uỷ quyền của lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Ngọc Vĩnh, Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế đã báo cáo tình hình công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, Ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra. Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã dần đi vào nền nếp, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh đều được Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Sở đã thẩm định 31 dự thảo văn bản; giúp tỉnh tự kiểm tra 9 văn bản do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra 56 văn bản của HĐND và UBND các huyện, thành phố gửi đến; thành lập các Đoàn kiểm tra 20.632 văn bản, phát hiện 13 văn bản quy phạm pháp luật có sai sót về hình thức và nội dung.

Phổ biến giáo dục pháp luật cũng được đánh giá cao với những hình thức tuyên truyền đa dạng, đặc biệt đã tổ chức Hội thi với chủ đề “Chủ tịch xã với pháp luật”.

Hoạt động bán đấu giá tài sản đã đạt được kết quả đáng khích lệ, vượt xa kết quả cả năm 2007, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã tổ chức 26 phiên đấu giá với tổng số tiền thu được là 88,7 tỷ đồng, vượt so với giá khởi điểm 7,4 tỷ đồng; đội ngũ giám định viên được kiện toàn thêm một bước, hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực như Y tế, Công an, Văn hoá Thông tin, Xây dựng vv…

Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng được chú trọng, nhất là việc tổ chức đào tạo Trung cấp Luật cho hầu hết cán bộ tư pháp cấp xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đánh giá cao hoạt động của Ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng tại địa phương. Nhân buổi làm việc với Đoàn Công tác của Bộ, lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ hỗ trợ địa phương trong việc giải quyết một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp, đó là công tác công chứng, chứng thực, thi hành án dân sự, đặc biệt là vấn đề quốc tịch, kết hôn, đăng ký khai sinh của người Lào di cư qua biên giới.

Đồng tình với ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng hoan nghênh những kết quả đạt được của Tư pháp Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng Ngành Tư pháp Việt Nam lớn mạnh. Bộ trưởng lưu ý công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến thể chế, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân cho nên rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện trên địa bàn.

Bộ trưởng băn khoăn với kết quả công tác thi hành án dân sự, số tiền phải thu trong số có điều kiện thi hành là 251 tỷ đồng nhưng số tiền thu được chỉ là 50 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20%, theo Bộ trưởng, cần tập trung cao độ cho công tác thi hành án để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Một số lĩnh vực như công chứng, luật sư...cũng chưa được quy hoạch bài bản, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, là một tỉnh có sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, đặc biệt là dịch vụ du lịch, mà đến nay Thừa Thiên Huế mới chỉ có 25 luật sư (19 luật sư chính thức, 6 luật sư tập sự) thì không thể đáp ứng nổi yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như tiến trình cải cách tư pháp.  

Bộ trưởng cũng ghi nhận kiến nghị của địa phương và chỉ đạo Đoàn Công tác phải phối hợp giải quyết ngay những vướng mắc, theo Bộ trưởng, trong trường hợp cần thiết, phải biết vận dụng linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bộ trưởng thông tin thêm Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua thì người không quốc tịch (trong đó có người Lào di cư) sẽ được đăng ký có quốc tịch Việt Nam. Việc giải quyết vấn đề gốc rễ “quốc tịch” sẽ là tiền đề cho giải quyết các vướng mắc khác như khai sinh, hôn nhân thực tế… 

Trần Tiến Dũng

Theo thống kê của Sở Tư pháp, tính đến ngày 15/5/2008 có tổng số 109 hộ/483 khẩu người Lào di cư sang Việt Nam, hầu hết số người này trước đây là người Việt Nam, theo Hiệp định hoạch định Biên giới Việt Nam – Lào năm 1977, những người Việt Nam mà sinh sống trên phần lãnh thổ của Lào thì trở thành người Lào và ngược lại đối với những người Lào sống trên phần lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, do công tác quản lý dân cư có những hạn chế nhất định cho nên những người Lào di cư không có giấy tờ chứng minh công dân Lào và cũng không có giấy tờ chứng minh là công dân Việt Nam. Do vậy, việc họ di cư sang lãnh thổ Việt Nam, kết hôn, làm ăn, sinh con đã gây không ít khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của họ cũng như của trẻ em.