Hội nghị giao ban công tác Tư pháp các tỉnh, thành phố phía Bắc: Tìm giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ

18/07/2008
Hội nghị giao ban công tác Tư pháp các tỉnh, thành phố phía Bắc: Tìm giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ
Sáng 18/7, tại Vĩnh Phúc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp, cơ quan THADS các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tham dự Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, dù khó khăn nhưng thời gian qua hoạt động của toàn ngành Tư pháp vẫn đạt được nhiều kết quả cụ thể . Tuy nhiên, để thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm của Ngành năm 2008 thì vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể lường hết trong 6 tháng cuối năm. Vì vậy, việc phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác Tư pháp để đạt được các mục tiêu đề ra là rất cần thiết.

Tăng cường phối hợp trong kiểm tra, thẩm định văn bản

Một trong những hoạt động chính của ngành Tư pháp là xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá VBQPPL. Mặc dù 6 tháng đầu năm công tác này của toàn ngành đã đạt những kết quả cao nhưng thực tế, chất lượng nội dung góp ý, thẩm định chưa cao; chưa tạo được bước đột phá về chất lượng thẩm định VBQPPL, nhất là ở cấp huyện và xã, công tác văn bản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản, đặc biệt là lực lượng chuyên gia trong những lĩnh vực phức tạp của thời kỳ hội nhập như pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế… còn mỏng, trong khi nghiệp vụ lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, một số Bộ, ngành, địa phương lại chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra văn bản nên công tác phối hợp trong công tác này chưa đạt hiệu quả. Do đó, trong 6 tháng cuối năm để công tác này đạt hiệu quả, cần thực hiện đúng qui trình xây dựng văn bản; chuẩn bị triển khai hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, cần xây dựng qui trình thẩm định đề án, văn bản đảm bảo khoa học, hợp lý, tập trung được trí tuệ tập thể, phát huy trách nhiệm của đơn vị, cá nhân tham gia; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan thẩm định và cơ quan chủ trì soạn thảo...

Tập trung giải quyết án tồn đọng

Kết quả THADS 6 tháng đầu năm 2008 của các cơ quan THADS địa phương cao hơn so với cùng kỳ năm 2007 nhưng vẫn thấp so với chỉ tiêu, thậm chí nhiều địa phương tỷ lệ THADS đạt rất thấp cả về tiền và về việc khiến lượng việc THA tồn đọng lớn. Ngoài nguyên nhân về vấn đề tổ chức, nhân sự, chính việc một số cơ quan THADS chưa tích cực tổ chức THA, Cục THADS còn chậm chỉ đạo nghiệp vụ, chưa có sự thống nhất của các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương về cách giải quyết một số vụ việc... đã khiến cho công tác THADS còn nhiều bất cập, chưa đạt được các mục tiêu về chất lượng và số lượng THADS.

Giải quyết tình trạng án tồn đọng được xác định là một trong nhiều biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2008. Để làm được điều đó, Cục THADS phải chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tổng rà soát để tìm ra nguyên nhân, xác định trách nhiệm trước những vụ việc còn tồn đọng (nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đến nay vẫn ở tình trạng... ”dậm chân tại chỗ”). Đề cao vai trò vấn đề nhân sự, tổ chức trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động THADS, một trong những giải pháp được đưa ra là phấn đấu để hết năm 2008 cũng chấm dứt tình trạng cơ quan THADS không có Trưởng THADS hoặc chỉ có 1 chấp hành viên thông qua việc bổ sung biên chế, thực hiện quyết liệt việc điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan THADS, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa...

Các giải pháp này nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần để các cơ quan THADS đạt được mục tiêu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc đã có điều kiện thi hành; giảm 10% đến 15% số lượng việc THA tồn đọng so với năm 2007. Từ đó đưa công tác THADS vào ”quỹ đạo” ổn định, hiệu quả.

Đổi mới công tác cán bộ, thu hút nhân tài

Hiện nay, chế độ, chính sách cán bộ của Ngành chưa đáp ứng tốt yêu cầu thu hút nhân tài trong khi công việc trong lĩnh vực Tư pháp rất nặng nề, phức tạp, nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đã có hiện tượng một số cán bộ xin chuyển khỏi ngành hoặc không chấp nhận làm việc ở những địa phương vùng sâu, vùng xa khiến công tác tư pháp ở địa phương gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn tuyển dụng cán bộ cho các cơ quan Tư pháp địa phương rất thiếu nên chất lượng cán bộ đầu vào hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều xã chưa có cán bộ tư pháp chuyên trách hoặc có nhưng lại chưa đủ trình độ về chuyên môn... khiến những bất cập trong công tác địa phương vẫn là một ”bài toán khó” đối với toàn ngành Tư pháp.

Đứng trước thách thức này, trong 6 tháng tới, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung đổi mới cơ chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng quy hoạch, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ, năng lực vào làm việc trong Ngành. Nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ mới, ngành cũng sẽ thực hiện thí điểm thi tuyển vào một số chức danh cấp phòng, nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp địa phương và chất lượng đào tạo luật, đào tạo nghề...

Hoạt động tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Trong quá trình tiến hành Chiến lược cải cách tư pháp, những hiệu quả đạt được trong công tác tư pháp sẽ minh chứng được tính đúng đắn của chiến lược cũng như đảm bảo cho xã hội có một thể chế pháp luật hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho việc bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN./.

H.Giang – X.Hoa