Tư pháp - Tòa án: Phối hợp để tăng hiệu quả công tác tư pháp

11/05/2008
Tư pháp - Tòa án: Phối hợp để tăng hiệu quả công tác tư pháp
Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai ngành Tư pháp và Tòa án, đồng thời giải quyết những vướng mắc, bất cập trong cơ chế phối hợp của hai ngành ở các lĩnh vực như THADS, quản lý hoạt động luật sư (LS), giám định tư pháp…, Ngày 10/5, Bộ Tư pháp và TANDTC đã có buổi họp bàn đầu tiên về vấn đề này.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đến nay, các cơ quan THADS vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc ra quyết định THA do một số Tòa án chậm chuyển giao hoặc chuyển giao không đầy đủ giấy tờ, tài liệu liên quan, bản án, quyết định của Tòa án; chậm trả lời các yêu cầu của cơ quan THADS về giải thích, đính chính sai sót hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một số bản án, quyết định của TA tuyên không rõ, có sai sót về số liệu hoặc tuyên không phù hợp với thực tiễn. Hay có những việc đã THA xong nhưng sau khi xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, TA tuyên hủy bản án, quyết định mà không đề cập đến phương thức giải quyết hậu quả của việc THA, dẫn đến nhiều trường hợp đương sự khiếu kiện kéo dài.

Trong lĩnh vực quản lý hoạt động LS, Bộ Tư pháp nhận thấy điều kiện, thủ tục để Tòa án chấp nhận cho LS tham gia tố tụng còn phức tạp, được thực hiện chưa thống nhất ở các địa phương. Hơn nữa, vai trò của LS trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng còn bị hạn chế, ảnh hưởng đến nguyên tắc tranh tụng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 08/NQ-TW… Ngoài ra, do một số thẩm phán chưa nắm vững qui định của Pháp lệnh Giám định tư pháp nên đã không chấp nhận kết quả giám định của các tổ chức, chuyên gia (không phải là các giám định viên, Tổ chức giám định tư pháp) do cơ quan điều tra trưng cầu giám định; TA cũng chưa chú trọng tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động giám định tư pháp trong việc đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử nên Bộ Tư pháp gặp khó khăn trong thu thập số liệu và thông tin để báo cáo Chính phủ về vấn đề này…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, những bất cập trong cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan là do nhiều văn bản qui phạm pháp luật còn chung chung nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn lại chưa kịp thời nên nhiều vướng mắc về thể chế chưa được tháo gỡ; sự nhận thức về việc phối hợp giữa hai ngành chưa đầy đủ nên một số trường hợp sự phối kết chưa đạt hiệu quả, mang tính thụ động. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tư pháp và TANDTC đã nhất trí, trong thời gian tới, hai ngành sẽ tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản liên tịch mà Bộ Tư pháp và TANDTC đã ban hành nhưng đến nay có bất cập, đồng thời ban hành những văn bản mới để tháo gỡ những vướng mắc trong một số lĩnh vực công tác hiện chưa có văn bản liên tịch hướng dẫn; tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực hoạt động khác như tập huấn nghiệp vụ, hợp tác quốc tế… Đặc biệt, Bộ Tư pháp, TANDTC phối hợp xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ Tư pháp; cùng VKSNDTC tiến hành nghiên cứu xây dựng qui chế phối hợp giữa 3 cơ quan về công tác THADS; phối hợp VKSNDTC và Bộ Công an thống nhất giao cho một cơ quan chủ trì đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Thông tư liên tịch về hoạt động tham gia tố tụng (cả dân sự và hình sự) của luật sư để có thể ban hành trước tháng 11…

Ông Trần Văn Tú – Phó Chánh án TANDTC – đánh giá việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TANDTC từ trước đến nay vẫn tương đối tốt. Vì vậy, thông qua các cuộc họp tương tự trong thời gian tới, đại diện hai bên cần tìm ra và giải quyết những vướng mắc trong cơ chế phối hợp của các cơ quan Tư pháp và TA cấp tỉnh trở xuống. Ông Tú cũng khẳng định, TANDTC sẽ tiếp thu các đánh giá của Bộ Tư pháp và giao các đơn vị chức năng kiểm tra các trường hợp mà Bộ Tư pháp dẫn ra để làm ví dụ cho những hạn chế liên quan đến TA trong cơ chế phối hợp giữa hai ngành thời gian qua.

Đại diện hai bên cũng nhất trí đánh giá buổi họp bàn này “viên gạch” đầu tiên cho sự phối hợp giữa hai ngành Tư pháp – Tòa án. Cụ thể, hai bên nhất trí 6 tháng/ lần sẽ họp giao ban giữa lãnh đạo hai cơ quan Bộ Tư pháp và TANDTC, có thể gồm cả đại diện lãnh đạo các cơ quan khác có liên quan như VKSNDTC, Bộ Công an…, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phối hợp để thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành, đặc biệt không để tồn tại “những lỗ hổng” trong quá trình quản lý các hoạt động của luật sư, giám định tư pháp, THADS…, giúp mỗi ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình./.

(Hương Giang, ảnh Thành Trung)