Thái Bình: Công tác kiểm soát thủ tục hành chính càng phát huy được vai trò trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính của tỉnh.
Việc rà soát, đánh giá TTHC nhằm đưa ra các phương án đơn giản hóa TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2016. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành chuyên môn về ngành, lĩnh vực rà soát, thống kê chuẩn hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh, từ đó, đưa ra phương án đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong việc thực hiện TTHC. Đến nay, các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã được các sở, ngành chuyên môn, rà soát, trình công bố cơ bản đã hoàn thành.
Với tinh thần đơn giản hóa TTHC, giải quyết TTHC nhanh, gọn, ngày 24/3/2016, Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường công tác cải cách hành chính được tỉnh ban hành; trong đó, các sở ngành rút ngắn 30% thời gian giải quyết TTHC, rà soát đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong TTHC, hạn chế yêu cầu nhà đầu tư, chủ đầu tư phải nộp các văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh ban hành. Đến nay, các TTHC ở nhiều lĩnh vực đã hoàn thành tốt việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, như lĩnh vực: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông. Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, nhiều TTHC thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng trực tuyến theo cấp độ 3, sử dụng chữ ký số trong quá trình thực hiện nhằm rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho công dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác kiểm soát TTHC, tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác, giữa các cơ quan trong tỉnh và tỉnh ngoài chưa được đồng bộ, chặt chẽ dẫn đến việc giải quyết TTHC chậm, kéo dài; Việc rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, chuẩn hóa TTHC của một số sở, ngành còn chậm so với chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; Cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo chế độ kiêm nhiệm. Đặc biệt, khối lượng công việc của cán bộ đầu mối tại các sở, ngành thực hiện nhiều công việc trong công tác kiểm soát TTHC nên chưa phát huy được tối đa trong vai trò cải cách TTHC vì còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác; Kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC không có ngân sách riêng mà chi chung trong khoán mức chi hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương nên chế độ bồi dưỡng, phụ cấp cho cán bộ đầu mối chưa được áp dụng ở nhiều nơi.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chính phủ và UBND tỉnh giao về cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/CP này 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, các kế hoạch của tỉnh năm 2016 về công tác kiểm soát TTHC; trong đó, hoàn thành tốt Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm năm 2016. Đặc biệt, vai trò của cán bộ đầu mối tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần phát huy hơn nữanhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác kiểm soát TTHC, cải cách hành chính tại địa phương.