Ba thủ tục hành chính do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có tỷ lệ hài lòng cao nhất

Tin tức

Ba thủ tục hành chính do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có tỷ lệ hài lòng cao nhất

Ngày 26/4/2016, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015).

Theo đó, từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2015, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại 10 địa phương, trong đó có 3 thành phố trực thuộc trung ương và 7 tỉnh đại diện vùng trong cả nước gồm: Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Tây Ninh, Cà Mau.
Việc khảo sát được thực hiện với sáu thủ tục hành chính, trong đó có 03 thủ tục hành chính do Bộ, ngành Tư pháp quản lý là: Chứng thực, cấp giấy khai sinh, cấp đăng ký kết hôn, 03 thủ tục hành chính khác là: cấp giấy Chính minh thư nhân dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp Giấy phép xây dụng nhà ở.
Theo kết quả khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của 11.873 người dân, tổ chức thì 03 thủ tục hành chính có tỷ lệ hài lòng cao nhất là: thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ hơn 89%, cấp giấy khai sinh đạt hơn 87%, chứng thực hơn 86%.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, tiếng Anh là SIPAS) gồm 8 tiêu chí, 13 tiêu chí thành phần để đo lường trên cơ sở 4 yếu tố cơ bản tạo nên chất lượng của một dịch vụ hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp là: (1) Tiếp cận dịch vụ; (2) Thủ tục hành chính; (3) Sự phục vụ của công chức; (4) Kết quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước.
Việc sử dụng ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ để cung cấp thông tin cho thay đổi là mục tiêu hướng tới của việc xác định chỉ số SIPAS, bởi hiệu quả và trách nhiệm giải trình là vấn đề hàng đầu trong hoạt động cung cấp dịch vụ công. Khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được thực hiện trên cơ sở nhận thức rằng người dân là người sử dụng các dịch vụ công và có thể cung cấp thông tin phản hồi xác thực về cảm nhận và kinh nghiệm của họ đối với chất lượng, hiệu quả cũng như tính đầy đủ của các dịch vụ và những vấn đề họ gặp phải khi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ. Mặc dù có thể không nhận xét được về đặc tính và tiêu chuẩn kỹ thuật của dịch vụ, người sử dụng dịch vụ hoàn toàn có thể đánh giá liệu các dịch vụ có đáp ứng nhu cầu của họ hay không và cơ quan cung cấp dịch vụ được coi là đáp ứng nhiệt tình và đáng tin cậy không. Đây là một bước quan trọng để xây dựng một nền hành chính thực sự “gần dân” mà Chính phủ đang hướng tới./.