HÀ NAM: ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI DÂN VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tin tức

HÀ NAM: ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI DÂN VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Nhằm mục tiêu hướng về cơ sở của ngành Tư pháp trong năm 2016, đối thoại với người dân về thủ tục hành chính trên địa bàn là một trong những hoạt động được cho là hết sức thiết thực, thông qua đó, nắm bắt được thực trạng, khảo sát sự hài lòng của người dân để có những tham mưu kịp thời giúp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện giải quyết TTHC tại cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành phối hợp tổ chức gần 20 hội nghị đối thoại với người dân về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn, thu hút khoảng 3.000 công dân tham gia, đóng góp ý kiến. Hội nghị được tổ chức mỗi tháng 4 - 5 lần/2 - 3 xã phường, thị trấn, riêng trong tháng 3 đã tiếng hành tổ chức tại 7 đơn vị. Các đơn vị được lựa chọn là xã, phường, thị trấn tập trung xây dựng nông thôn mới, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao... Để hội nghị đối thoại được tiến hành thuận lợi, mang lại hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn mời và huy động nhân dân tham gia hội nghị; nội dung hội nghị cũng được truyền thanh trực tiếp qua hệ thống loa truyền thanh xã. UBND xã cũng cử cán bộ địa phương phối hợp tham gia để việc đối thoại về thủ tục hành chính đạt hiệu quả, bảo đảm tính kịp thời, công khai minh bạch.
Chương trình hội nghị đối thoại bao gồm: Giới thiệu nội dung chính sách pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến buổi đối thoại; Tổng hợp những ý kiến góp ý của người dân về thủ tục hành chính thông qua phiếu thăm dò ý kiến; Trả lời các vướng mắc, kiến nghị của người dân về TTHC. Nội dung đối thoại tập trung về tình hình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp – hộ tịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Công an; Văn hoá; Quốc phòng - Quân sự; Giao thông vận tải; Tài chính... Ghi nhận tại các địa phương, hội nghị tổ chức đối thoại về thực hiện thủ tục hành chính đã diễn ra theo tinh thần thẳng thắn, trung thực, cởi mở, thân thiện, bảo đảm tính dân chủ, thiết thực và hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia phát biểu ý kiến và nêu những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Bên cạnh trực tiếp tổ chức hội nghị đối thoại, sở Tư pháp cũng tiến hành khảo sát, nắm tình hình và thu thập ý kiến công dân thông qua hình thức phiếu khảo sát. Mọi công dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã (trong thời hạn 6 tháng) đều được phát giấy mời và phiếu thăm dò ý kiến kèm theo. Nội dung phiếu khảo sát bao gồm 7 câu hỏi nhanh liên quan đến: mức độ hài lòng của người dân khi tiếp cận TTHC; đánh giá về sự phục vụ của công chức giải quyết thủ tục hành chính; thời hạn, chi phí phải trả để giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh, kiến nghị, đề xuất của người dân… Kết quả khảo sát cho thấy hộ gia đình, cá nhân cơ bản hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cũng thông qua phiếu khảo sát, đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, đánh giá của người dân cho việc cải thiện chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn như: Mở rộng các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết TTHC; cần công khai, minh bạch hơn; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; Cải thiện thái độ phục vụ của công chức; Tiếp nhận, giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của người dân; Giảm phí, lệ phí... Đối với các ý kiến góp ý, đánh giá của người dân, đặc biệt tại những địa phương tồn tại số lượng ý kiến “không hài lòng” và “rất không hài lòng”, sở Tư pháp đều có những tham mưu, đề xuất kịp thời tới chính quyền địa phương cũng như những cơ quan có liên quan.
Như vậy, thông qua việc việc đối thoại nhằm khảo sát sự hài lòng của người dân về tình hình giải quyết TTHC trên địa bàn không chỉ có được biện pháp tham mưu kịp thời giúp chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ, công chức trong thực hiện và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân về các TTHC mà còn kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để nhanh chóng tháo gỡ; các ý kiến vượt thẩm quyền được ghi nhận và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết./.