Bộ Tư pháp quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính trong năm 2016

Tin tức

Bộ Tư pháp quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính trong năm 2016

Ngày 09/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2618/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2016. Theo đó, để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, năm 2016, Bộ Tư pháp đặt trọng tâm cải cách hành chính vào 03 lĩnh vực là: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính.

 

Với mục tiêu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Kế hoạch cải cách hành chính năm 2016 của Bộ Tư pháp đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể trong 07 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính và công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện giai đoạn II của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ), theo Quyết định số 2618/QĐ-BTP nói trên, năm 2016, Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: triển khai thi hành và chuẩn bị triển khai thi hành các luật, bộ luật quan trọng có hiệu lực trong các năm 2016, 2017 trực tiếp liên quan đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật hộ tịch, Luật ban hành văn bản QPPL...; tập trung xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, trình Quốc hội trong năm 2016 đối với: Luật tiếp cận thông tin, Luật đấu giá tài sản, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật chứng thực; tổ chức triển khai tốt Luật ban hành văn bản QPPL để đảm bảo thực hiện thống nhất quy định mới của Luật về đổi mới căn bản trình tự, thủ tục xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc tách quy trình hoạch định chính sách và quy trình soạn thảo văn bản; tham mưu với Chính phủ để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn những vấn đề, thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa và cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đề xuất với Chính phủ phương án cắt giảm gánh nặng hành chính trong thực hiện chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thành lập và triển khai hoạt động có hiệu quả đối với bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của Bộ Tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2035 gắn với Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp; ban hành Quy chế đánh giá cán bộ và Quy chế luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của Bộ Tư pháp; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và năm 2016 của Bộ Tư pháp; triển khai thực hiện việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong đăng ký giao dịch bảo đảm và mức độ 3 trong cấp phiếu lý lịch tư pháp. Xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực quốc tịch; triển khai, nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin về quản lý hộ tịch; văn bản QPPL thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, bảo đảm thiết lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện việc khai sinh, khai tử qua mạng điện tử...