Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể trong công cuộc cải cách hành chính tại tỉnh Thái Bình

Tin tức

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể trong công cuộc cải cách hành chính tại tỉnh Thái Bình

Thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh đối với công tác cải cách hành chính, ngay từ cuối năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh năm 2015. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xác định được phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát TTHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình cũng như trong phạm vi toàn tỉnh.

Việc công bố, công khai TTHC được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 39 Quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cả 03 cấp chính quyền, với tổng số: 1.097 TTHC; trong đó có 531 TTHC mới ban hành, 102 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 464 TTHC bị bãi bỏ.

Trong năm 2015, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là: 1.341.410 hồ sơ; trong đó số hồ sơ mới tiếp nhận là: 1.312.332 hồ sơ, số hồ sơ từ kỳ báo cáo trước chuyển qua là: 29.078 hồ sơ. Số hồ sơ đã giải quyết là: 1.273.962 hồ sơ; trong đó số hồ giải quyết đúng hạn là: 1.272.591 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết quá hạn là: 1.371 hồ sơ (chiếm 0,11%). Số hồ sơ đang được giải quyết là: 67.448 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ chưa đến hạn là: 66.028 hồ sơ, số hồ sơ chưa trả và quá hạn là: 1.420 hồ sơ.

Các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng đã tham mưu cho Ủy ban ban nhân dân tỉnh ban hành tổng số 13 văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị đều lấy ý kiến đánh giá tác động của Sở Tư pháp. Trong 13 văn bản quy phạm pháp luật đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành có 01 văn bản có quy định 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Nội vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.

Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm năm 2015 tại tỉnh Thái Bình kèm theo Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 12/02/2015. Từ đó, các sở, ngành có liên quan đã tổ chức rà soát theo đúng Kế hoạch. Kết quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC rút ngắn thời gian giải quyết của TTHC thuộc các lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và thông qua sáng kiến cải cách hành chính thuộc lĩnh vực Tư pháp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 31 TTHC, nhóm TTHC đặc thù và liên thông tại tỉnh Thái Bình và giao các Sở, ngành chuyên môn giải quyết các thủ tục hành chính đặc thù tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Tư pháp chuẩn hóa nội dung cụ thể về bộ phận tạo thành của các thủ tục hành chính, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Được sự nhất trí của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2324/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 về việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình, đưa 943 TTHC ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; thông qua danh mục 246 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, phê duyệt 04 TTHC thuộc lĩnh vực An ninh và Thuế giải quyết tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và kiểm tra công tác kiểm soát TTHC được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức 05 đợt tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho tổng số khoảng 360 lượt người, phối hợp Sở Nội vụ kiểm tra công tác thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các xã thuộc 04 huyện: Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư.

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng kể, công tác kiểm soát TTHC tại tỉnh Thái Bình còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc rà soát trình công bố các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã đã được chú trọng hơn nhưng còn chậm, gây khó khăn trong quá trình thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính, cũng như niêm yết công khai thủ tục hành chính tại cơ sở. Kết quả và chất lượng rà soát, đánh giá TTHC nhằm đưa ra các phương án đơn giản hóa TTHC, sáng kiến cải cách hành chính chưa cao. Kinh phí chi cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính còn hạn hẹp nên chế độ bồi dưỡng, phụ cấp cho cán bộ đầu mối chưa được áp dụng ở nhiều nơi.

Nhìn chung, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể trong công cuộc cải cách hành chính tại tỉnh. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được niêm yết công khai tại nơi giải quyết; Thủ tục hành chính, nhóm TTHC có liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp được đơn giản hóa rút ngắn thời hạn giải quyết; Thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính đặc thù và liên thông chuẩn hóa được tỉnh phê duyệt danh mục và từng bước chuẩn hóa về nội dung của thủ tục hành chính; Trên 70% tổng số TTHC được đưa ra thực hiện tại các Trung tâm Hành chính công của tỉnh, của huyện tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc nộp hồ sơ và nhận kết quả ở một nơi; Hệ thống cán bộ đầu mối trên địa bàn tỉnh thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát TTHC và hoạt động có hiệu quả, đang phát huy được vai trò đắc lực trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc thường xuyên rà soát, công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ trên cơ sở các văn bản của Trung ương, của tỉnh được các sở, ban, ngành chuyên môn về ngành, lĩnh vực chú trọng. Bộ thủ tục hành chính là nguồn pháp lý quan trọng để người dân, thủ trưởng cơ quan hành chính tham chiếu, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của cán bộ, công chức. Đồng thời, các bộ thủ tục này cũng giúp cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật của cán bộ, công chức được nhanh chóng chóng, thuận lợi, góp phần cho công cuộc cải cách hành chính của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh nhà.