Người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng

13/05/2010
Đó là một trong những quy định đáng chú ý trong trong Nghị định số 47/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động vừa mới được Chính phủ ban hành ngày 6/05/2010

Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động. Đối tượng áp dụng là các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật lao động. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị -xã hội không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này. Nghị định không áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động thuộc các lĩnh vực dạy nghề, học nghề; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo hiểm xã hội.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính là: cảnh cáo hoặc phạt tiền. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt tương ứng với hành vi đó được quy định tại Nghị định này; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể thấp hơn nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã được quy định; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung hình phạt tiền đã được quy định.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về pháp luật lao động có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: 1) Buộc thực hiện đúng các quy định của pháp luật vể lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm; thực hiện phương án sử dụng lao động, giao kết hợp đồng lao động, đăng ký thỏa ước lao động tập thể, tiền lương tối thiểu; các nguyên tắc về xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng, nội quy lao động; bảo đảm các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động; bảo đảm về an toàn lao động và vệ sinh lao động. 2) Trả lại số tiền đặt cọc và lãi suất tiết kiệm cho người lao động. 3) Buộc khắc phục, sửa chữa đối với các máy, thiết bị không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn lao động và vệ sinh lao động. 4) Buộc kiểm định và đăng ký với các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và vệ sinh lao động. Đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật lao động còn có thể bị xử phạt trục xuất. Đây có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.

Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc làm, quan hệ lao động; vi phạm những quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung hoặc bị áp dụng thêm một hay nhiều biện pháp khắc phục hậu quả kể trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2010,   thay thế Nghị định số 113/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Lê Văn Nhật