Quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức

06/05/2010
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Theo Nghị định, thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu. Thời điểm nghỉ hưu của công chức được lùi theo một trong các trường hợp sau: không quá 01 tháng nếu thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán hoặc công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc bản thân và gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn; không quá 03 tháng đối với trường hợp công chức bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện; không quá 06 tháng đối với trường hợp công chức đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện. Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, đơn vị quản lý công chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết và chuẩn bị người thay thế. Công chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận trước thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu.

Cũng theo Nghị định này, công chức được hưởng chế độ thôi việc theo nguyện vọng và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý hoặc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức. Nếu thôi việc theo nguyện vọng, công chức phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản, nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do. Công chức không được giải quyết thôi việc khi: đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan khi được xét tuyển; chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan. Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng một nửa tháng lương hiện hưởng; mức trợ cấp thấp nhất  bằng một tháng lương hiện hưởng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Trợ cấp thôi việc quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2010. Nghị định này thay thế các quy định về thôi việc đối với công chức tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005, quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với công chức tại Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ./.

Minh Đức