Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

21/04/2010
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010  quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.Theo đó:

Nghị định này quy định chi tiết về nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; các hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng; hành vi vi phạm, xử lý hành vi vi phạm; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng.

Nguyên tắc thi đua được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

Nguyên tắc khen thưởng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, khen thưởng. Việc khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính.

Theo Nghị định, cá nhân có thể được khen thưởng một trong các danh hiệu thi đua như: chiến sỹ thi đua toàn quốc, chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, chiến sỹ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến, chiến sỹ tiên tiến.

Đối với tập thể, các danh hiệu thi đua gồm: cờ thi đua của Chính phủ, cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng, tập thể lao động tiên tiến, đơn vị tiên tiến, thôn văn hóa, bản văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là gia đình văn hóa.

Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua, không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua. Khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính. Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành từ ngân sách nhà nước, từ quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp, đóng góp của cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010. Nghị định này thay thế Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.

Lê Văn Nhật