Quy định cụ thể về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

19/04/2010
Chính phủ vừa mới ban Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 quy định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) có dấu hiệu trái pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành. Cụ thể:

Nội dung kiểm tra văn bản sẽ được tiến hành thông qua việc xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản theo các nội dung được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật được tiến hành thường xuyên, toàn diện, kịp thời; khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền với tư cách kiểm tra của cơ quan ban hành văn bản. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kiểm tra văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, người đã ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra, xử lý của mình; nếu quyết định xử lý trái pháp luật thì phải khắc phục hậu quả pháp lý do quyết định đó gây ra.

Việc kiểm tra văn bản được tiến hành thông  các qua phương thức như kiểm tra văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản gửi đến; kiểm tra văn bản theo khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn (tại cơ quan ban hành văn bản) hoặc theo ngành, lĩnh vực.

Về thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật, trong thời hạn 30 ngày, kể thừ ngày nhận được thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. Hết thời hạn xử lý trên, nếu cơ quan, người đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không tự kiểm tra, xử lý hoặc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản không nhất trí với kết quả xử lý của cơ quan, người đã ban hành văn bản thì trong thời hạn 15 ngày, cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với văn bản đó phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với các văn bản trái pháp luật thì có thể sẽ bị đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản. Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp nội dung trái pháp luật đó nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ kịp thời và nếu tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản đó được ban hành trái thẩm quyền về hình thức, thẩm quyền về nội dung hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật từ thời điểm văn bản được ban hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 06 năm 2010. Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Lê Văn Nhật