Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

02/04/2010
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 1 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Đối với hành vi khai thác các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác, mức phạt thấp nhất là từ 1-3 triệu đồng  nếu khối lượng thủy sản dưới 20 kg. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 40 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản khai thác trái phép trên 500 kg.

 Hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng và phạt tới 30 triệu đồng khi thả vào vùng nước thuộc khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.

 20-25 triệu đồng là số tiền phạt nếu tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.

Mức phạt tiền cao nhất quy định tại Nghị định này, 40 triệu đồng, cũng được áp dụng đối với hành vi nhập khẩu tàu cá khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu.

Đối với hành vi thuê, mượn người khác đưa tạp chất vào thủy sản hoặc có hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, có thể còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở thu gom, bảo quản, chế biến thủy sản từ 6 - 12 tháng trong trường hợp cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Nếu tàu cá sử dụng, tàng trữ trái phép hóa chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng. Mức phạt lên tới 10 triệu dành cho tàu cá tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm. Hành vi sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Như vậy, Nghị định mới này sẽ góp phần hạn chế một số tồn tại trong hoạt động khai thác thủy sản hiện nay, quan trọng là nhằm duy trì được nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú mà vẫn tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế biển một cách bền vững. Trong đó, đặc biệt tránh tình trạng khai thác thủy sản bằng các chất nổ, xung điện, có chế tài ngăn chặn hành vi đưa ra thị trường những sản phẩm thủy sản không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2010 và thay thế Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 154/2006/NĐ-CP ngày 25/12/2006 của Chính phủ sửa đổi Điều 17 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản./.

Thành Công