Giới thiệu một số nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên

21/04/2010
Trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ thông tin vào quy trình đăng ký thì việc triển khai đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm, tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, đồng thời tạo bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực này.

Mặc dù là một trong những phương thức mở về đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án trên thực tế, đáp ứng nhu cầu của cá nhân và tổ chức, trong thời gian qua Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư nêu trên.

Dự thảo gồm 4 chương với 20 điều được bố cục như sau:

Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9) quy định về phạm vi điều chỉnh; các trường hợp đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm; các trường hợp đăng ký trực tuyến hợp đồng; các trường hợp thông báo về việc kê biên tài sản trực tuyến; thời điểm đăng ký trực tuyến; tài khoản đăng ký trực tuyến; thủ tục cấp, khởi tạo tài khoản đăng ký trực tuyến; sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến; trường hợp đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý.

Chương II: Trình tự, thủ tục đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên (từ Điều 10 đến Điều 12) quy định về hướng dẫn kê khai nội dung yêu cầu đăng ký trực tuyến; trách nhiệm của cơ quan đăng ký;  thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm, hợp đồng trực tuyến.

Chương III: Cung cấp thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến (từ Điều 13 đến Điều 17) quy định về phương thức tìm hiểu thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến; tự tra cứu thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến; phạm vi thông tin tự tra cứu qua hệ thống đăng ký trực tuyến; yêu cầu cung cấp thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến; phạm vi thông tin được cung cấp trực tuyến theo yêu cầu. 

Chương IV: Điều khoản thi hành gồm 3 điều, từ Điều 18 đến Điều 20 quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành.

Sau đây, xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án

1) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Thông tư này hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến đối với các giao dịch, loại việc thuộc thẩm quyền đăng ký, thông báo và cung cấp thông tin của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, bao gồm: giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển); hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ; thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và các giao dịch khác thuộc thẩm quyền của Trung tâm Đăng ký trong trường hợp pháp luật có quy định. 

2) Thời điểm đăng ký trực tuyến (Điều 5)

Xuất phát từ đặc thù của của phương thức đăng ký trực tuyến, nên dự thảo Thông tư đã quy định: thời điểm đăng ký trực tuyến là thời điểm nội dung về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo về kê biên tài sản thi hành án được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm. Đồng thời để tránh những tranh chấp có thể phát sinh do thời gian ghi nhận của máy tính nối mạng của khách hàng và thời gian ghi nhận của hệ thống đăng ký trực tuyến khác nhau, dự thảo Thông tư đã quy định: thời điểm đăng ký trực tuyến quy định được xác định theo thời gian ghi nhận của phần mềm ứng dụng đăng ký trực tuyến.

3) Tài khoản đăng ký trực tuyến (Điều 6)

Dự thảo Thông tư quy định, tài khoản đăng ký trực tuyến là tài khoản do cơ quan đăng ký cấp theo yêu cầu cho tổ chức, cá nhân hoặc do khách hàng tự khởi tạo được hệ thống đăng ký trực tuyến chấp nhận để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến. Để được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến, khách hàng phải nộp đơn yêu cầu cấp tài khoản đăng ký trực tuyến đến Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Trường hợp muốn trở thành khách hàng thường xuyên đăng ký trực tuyến thì ngoài đơn yêu cầu cấp tài khoản đăng ký trực tuyến, tổ chức, cá nhân nộp thêm giấy tờ xác định tư cách pháp lý như chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập (đối với tổ chức)

4) Sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến (Điều 8)

Do đặc thù của phương thức đăng ký trực tuyến là đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến không có chữ ký và con dấu trực tiếp thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng như đối với đơn yêu cầu đăng ký được gửi bằng phương thức trực tiếp, qua đường bưu điện, qua fax, nên dễ dẫn đến tình trạng, việc đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xoá đăng ký không thể hiện đúng thoả thuận của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, ví dụ như trường hợp bên được bảo đảm là người đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu, nhưng vì lí do nào đó, bên bảo đảm lại đi đăng ký thay đổi không đúng với nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên được bảo đảm. Để tránh tình trạng này xảy ra, dự thảo Thông tư đã đưa ra 3 phương án giải quyết, đó là:

Phương án 1: Trong trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng được đăng ký qua tài khoản đăng ký trực tuyến của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thì việc đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký có thể thực hiện qua tài khoản của bên thực hiện việc đăng ký lần đầu hoặc của bên còn lại của giao dịch bảo đảm, hợp đồng.

Phương án 2: Trong trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng được đăng ký qua tài khoản đăng ký trực tuyến của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thì việc đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký chỉ được thực hiện qua tài khoản của bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm; bên bán trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần; bên cho thuê trong hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính; bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ trong hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ.

Phương án 3: Trong trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng được đăng ký qua tài khoản đăng ký trực tuyến của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thì Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký phải có chữ ký số của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng được chứng thực bởi tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật.

5) Trường hợp đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý (Điều 9)

Dự thảo Thông tư quy định việc đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý trong trường hợp: (1) đăng ký không đúng thẩm quyền của cơ quan đăng ký quy định tại các Điều 2, 3, 4 của Thông tư này ; và (2) Nội dung đăng ký không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hoá của dân tộc và đạo đức xã hội.

6) Trách nhiệm của cơ quan đăng ký (Điều 11)

Dự thảo Thông tư quy định cơ quan đăng ký có trách nhiệm: (1) duy trì hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến một cách liên tục, đảm bảo cho người yêu cầu đăng ký, người tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến có thể thực hiện việc đăng ký, tìm hiểu thông tin tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bao gồm ngày làm việc, ngày nghỉ và ngày lễ; và (2) kiểm tra nội dung kê khai trên mẫu đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến đã được nhập vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm về việc nội dung đăng ký không vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hoá của dân tộc và đạo đức xã hội.

Trong trường hợp nội dung đăng ký vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hoá của dân tộc và đạo đức xã hội thì Thủ trưởng cơ quan đăng ký có quyền xem xét xóa nội dung đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

7) Thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm, hợp đồng trực tuyến (Điều 12)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, dự thảo Thông tư quy định nhiều hình thức thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng trực tuyến phù hợp với từng loại hình khách hàng, đó là khách hàng thường xuyên và khách hàng vãng lai bao gồm: (1) Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký; (2) Thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng hoặc thẻ trừ nợ với điều kiện thẻ trừ nợ và cơ quan phát hành thẻ trừ nợ đã được cơ quan đăng ký chấp thuận; (3) Nộp tiền vào tài khoản của cơ quan đăng ký tại ngân hàng; (4) Khấu trừ tiền từ tài khoản của khách hàng trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là khách hàng thường xuyên của cơ quan đăng ký.

8) Về cung cấp thông tin

Dự thảo Thông tư quy định về hai hình thức cung cấp thông tin, đó là tự tra cứu thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 13). Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đã đề cập đến phạm vi nội dung thông tin tự tra cứu và phạm vi nội dung thông tin được cung cấp theo yêu cầu (Điều 15, Điều 17).

9) Điều khoản chuyển tiếp (Điều 19)

Dự thảo Thông tư quy định về hai nội dung chuyển tiếp, đó là:

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được công nhận tư cách khách hàng thường xuyên của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục chuyển đổi thành khách hàng thường xuyên đăng ký trực tuyến.

- Trong trường hợp khách hàng đã đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án bằng một trong các phương thức: trực tiếp, qua đường bưu điện, qua fax trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án vẫn đang còn có hiệu lực, thì việc đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký trực tuyến được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

 Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm