Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền

24/11/2009
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-NHNN ngày 17/11/2009 hướng dẫn các tổ chức tín dụng Nhà nước, tín dụng cổ phần, tín dụng hợp tác, tín dụng liên doanh, tín dụng 100% vốn nước ngoài… thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam trong các giao dịch tiền tệ hay tài sản khác.

Theo đó, NHNN quy định các tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền với nội dung phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức rủi ro về rửa tiền trong các hoạt động. Cụ thể như các chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Quy định về những giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; Quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin; Quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Mỗi tổ chức báo cáo phải bố trí một thành viên là người phụ trách phòng, chống rửa tiền và đăng ký với Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kèm các thông tin chi tiết như tên, địa chỉ trụ sở làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử (email) để liên lạc khi cần thiết và phải báo cáo kịp thời bằng văn bản cho tổ chức này khi thay đổi người phụ trách.

Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp, nội dung, biện pháp phải nhận biết khách hàng để bảo đảm sự hiểu biết đầy đủ về khách hàng trong suốt thời gian thiết lập mối quan hệ với khách hàng, từ đó tổ chức báo cáo tự phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (cao, trung bình, thấp).

Các giao dịch tiền mặt thông thường có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên và giao dịch tiền gửi tiết kiệm có tổng giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên do một khách hàng là cá nhân thực hiện sẽ không phải báo cáo số dư trên tài khoản tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt để mua đồng Việt Nam bằng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp hoặc rút tiền mặt. Trường hợp khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của người khác hoặc nộp tiền mặt để chuyển tiền (trường hợp khách hàng không có tài khoản), tổ chức báo cáo phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng hoặc các giấy tờ khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp, đáng tin cậy và lưu lại họ, tên, địa chỉ, số điện thoại … và bản sao các tài liệu này.

Tổ chức báo cáo phải rà soát, sàng lọc các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Ngoài các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ được quy định, các Tổ chức báo cáo cần xem xét các giao dịch đáng ngờ như: số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan của khách hàng không thể kết nối được hoặc không có số máy này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch. Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn với tổng giá trị một lần đổi từ 200.000.0000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên. Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi một cá nhân hay tổ chức liên quan đến hoạt động bất hợp pháp mà thông tin đại chúng đã đăng tải…

Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, tổ chức báo cáo phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo Mẫu số 04 đính kèm Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết, Tổ chức báo cáo có thể báo cáo bằng các phương tiện fax hoặc qua điện thoại, nhưng ngay sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản….

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký./.

Thành Công