Quy định mới về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại (Phần II)

02/11/2009
Thừa phát lại (TPL) là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THADS, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm TPL được quy định tại Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định TPL tại thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm TPL

Để bảo đảm thực hiện được mục tiêu quy định tại Đề án thí điểm chế định TPL đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động THADS, giao cho TPL thực hiện những công việc từ đơn giản đến phức tạp, từ phạm vi hẹp đến phạm vị rộng, tiến tới xác định khả năng áp dụng mô hình TPL THADS trên toàn quốc thì người được bổ nhiệm TPL phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết theo quy định. Với tính chất nghề nghiệp và đòi hỏi của công việc trong lĩnh vực THADS, nhìn chung TPL cần có các tiêu chuẩn như đối với một số chức danh tư pháp khác, như: CHV, Luật sư, Công chứng viên... Quy định như vậy còn nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về cơ hội nghề nghiệp giữa các chức danh hành nghề luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV theo quy định mới của Luật THADS năm 2008 tuỳ thuộc vào các ngạch CHV là CHV sơ cấp, CHV trung cấp hay CHV cao cấp. Theo đó, tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm làm CHV đối với cả ba ngạch đó là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, nếu có thêm đủ các điều kiện: có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên, đã được đào tạo nghiệp vụ THADS và trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp thì có thể được bổ nhiệm làm CHV sơ cấp; nếu có thêm đủ các điều kiện: có thời gian làm CHV sơ cấp từ 05 năm trở lên, trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV trung cấp thì có thể được bổ nhiệm làm CHV trung cấp; nếu có thêm đủ các điều kiện: có thời gian làm CHV trung cấp từ 05 năm trở lên, trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV cao cấp thì có thể được bổ nhiệm làm CHV cao cấp.

Còn tiêu chuẩn, điều kiện để được hành nghề Luật sư theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Luật Luật sư năm 2006, đó là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư, có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Tiêu chuẩn để có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Công chứng viên theo quy định tại Điều 13 Luật Công chứng năm 2006, đó là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn: có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng; có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng. Thời gian đào tạo nghề công chứng và tập sự hành nghề công chứng được tính vào thời gian công tác pháp luật.

Trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các chức danh tư pháp khác và xuất phát từ yêu cầu, tính chất công việc mà TPL sẽ phải đảm nhiệm trong tương lai, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì tiêu chuẩn, điều kiện để có thể được xem xét bổ nhiệm làm TPL, bao gồm:

- Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Không có tiền án;

- Có bằng cử nhân luật;

- Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; CHV, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên. (Quyết định số 224/QĐ-TTg còn có thêm trường hợp là Trọng tài viên).

- Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề TPL do Bộ Tư pháp tổ chức;

- Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm TPL

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có thẩm quyền bổ nhiệm TPL trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tục bổ nhiệm TPL được quy định tại Điều 12 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Người muốn được bổ nhiệm làm TPL phải có hồ sơ gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Hồ sơ bao gồm các loại tài liệu, giấy tờ sau: Đơn xin bổ nhiệm làm TPL; giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

- Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện thì đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Trường hợp Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh từ chối thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn xin làm TPL.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm TPL trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

- Người được bổ nhiệm làm TPL được Bộ Tư pháp cấp thẻ TPL.

Điều 13 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về các trường hợp miễn nhiệm và thủ tục miễn nhiệm TPL như sau:

- TPL có thể bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:

+ Miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân TPL.

+ Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

+ Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Không hành nghề TPL kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề TPL mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm;

+ Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Thủ tục miễn nhiệm TPL:

+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề nghị của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh quyết định miễn nhiệm TPL.

Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm TPL trong trường hợp miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân TPL phải có đơn xin miễn nhiệm gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và văn bản đề nghị của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm TPL trong các trường hợp: không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không hành nghề TPL kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề TPL mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm; bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, phải có tài liệu liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn nhiệm TPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm TPL và quyết định thu hồi thẻ TPL.

Ngoài ra, Điều 14 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP còn quy định nếu TPL vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

- Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, TPL có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Ngoài hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định nêu trên, TPL có thể còn bị xử lý bằng hình thức sau:

+ Miễn nhiệm và thu hồi thẻ TPL, trừ trường hợp việc xử lý vi phạm hành chính đã bao gồm hình thức xử lý này.

+ Truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Thẩm quyền xử lý vi phạm:

+ Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,

+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền xử lý vi phạm bằng hình thức miễn nhiệm và thu hồi thẻ TPL.

+ Việc xử lý về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh

_________________________________

Bài viết có liên quan:

Giới thiệu những quy định mới về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh