Quy định mới về quy trình, thủ tục và điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp (Phần X)

23/10/2009
Pháp lệnh THADS năm 2004 quy định ngạch CHV theo cấp hành chính, gồm có CHV cấp tỉnh và CHV cấp huyện. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật THADS năm 2008 thì CHV có ba ngạch là CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp. Do đó, kể từ ngày Nghị định số 74/2009/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật (01/11/2009), toàn bộ đội ngũ CHV cấp tỉnh, CHV cấp huyện nếu đủ điều kiện theo quy định sẽ được bổ nhiệm sang ngạch CHV mới. Quy trình, thủ tục và điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp được quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Quy trình, thủ tục để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì việc bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp được thực hiện như sau:

Bộ Tư pháp thực hiện việc rà soát, đánh giá đội ngũ CHV hiện có của cơ quan THADS để xem xét, bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp.

Kể từ ngày 01/11/2009, các trường hợp đã được bổ nhiệm vào ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh theo quy định của Pháp lệnh THADS năm 2004, phải được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp hoặc CHV cao cấp. Trường hợp vì lý do khách quan mà sau ngày 01/11/2009 các cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét để bổ nhiệm lại theo quy định của Luật THADS thì CHV tiếp tục làm nhiệm vụ cũ cho đến khi có quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền nhưng thời gian chậm nhất là ngày 30/6/2010.

Kể từ ngày 01/7/2010, các trường hợp chưa được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch CHV theo quy định của Luật THADS thì phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Việc áp dụng tiêu chuẩn CHV để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp được thực hiện như sau:

- Các trường hợp được xem xét để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp phải có tiêu chuẩn phù hợp với ngạch tương ứng được quy định tại Điều 18 Luật THADS[1], nhưng không nhất thiết phải có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án;

- Đối với trường hợp CHV thuộc diện nợ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ[2] tiếp tục được bổ nhiệm vào ngạch CHV tương ứng theo quy định của Luật THADS. Nếu đến ngày 30/6/2010, CHV vẫn không có trình độ Cử nhân luật thì coi là không đủ tiêu chuẩn và phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

2. Điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, ngạch CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp

Điều 52 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch CHV cấp huyện, ngạch CHV cấp tỉnh sang ngạch CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp như sau:

Các trường hợp đã được bổ nhiệm CHV cấp huyện nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm CHV sơ cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch CHV sơ cấp. Các trường hợp đã được bổ nhiệm CHV cấp tỉnh nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm CHV trung cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch CHV trung cấp. Đối với các trường hợp trước đây đã là CHV cấp tỉnh nhưng do yêu cầu về tổ chức cán bộ đã được điều động và bổ nhiệm làm CHV cấp huyện nay nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm CHV trung cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch CHV trung cấp[3].

Đối với những người đang ở ngạch CHV cấp huyện có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm CHV trung cấp thì có thể xem xét bổ nhiệm vào ngạch CHV trung cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Là Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan THADS huyện;

- Đạt hệ số lương từ 4,32 trở lên;

- Đơn vị có nhu cầu bố trí làm CHV trung cấp;

- Đối với những người không phải là Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan THADS huyện nhưng đã ở bậc lương cuối cùng của ngạch CHV cấp huyện.

Đối với những người đang ở ngạch CHV cấp tỉnh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm CHV cao cấp thì có thể xem xét bổ nhiệm vào ngạch CHV cao cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Là Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh;

- Đạt hệ số lương từ 6,10 trở lên;

- Đơn vị có nhu cầu bố trí làm CHV cao cấp. (Phần cuối).

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa


[1]Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm CHV.

2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV sơ cấp:

a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ THADS;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp.

3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV trung cấp:

a) Có thời gian làm CHV sơ cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV trung cấp.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV cao cấp:

a) Có thời gian làm CHV trung cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV cao cấp.

5. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm CHV trong quân đội.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

6. Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan THADS có thể được bổ nhiệm làm CHV ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.

7. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm CHV trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm CHV cao cấp”.

[2]Đối với trường hợp khi xem xét bổ nhiệm lại mà chưa có trình độ cử nhân luật thì vẫn xem xét để tuyển chọn bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên nhưng trong nhiệm kỳ mới phải học tập để có trình độ cử nhân luật. Kể từ nhiệm kỳ tiếp theo những Chấp hành viên này nếu không có trình độ cử nhân luật thì coi là không đủ tiêu chuẩn và không được xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm lại chức danh Chấp hành viên”.

[3] Xem Phần III. Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự

Quy định mới về việc tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển (Phần IX)