Cụ thể, cấp xã loại 1 số CBCC bố trí không quá 25 người, loại 2 không quá 23 người và loại 3 không quá 21 người. Số lượng CBCC theo quy định trên bao gồm cả CBCC được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.
Về số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đối với cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người, loại 2 không quá 20 người và loại 3 không quá 19 người.
Về xếp lương đối với cán bộ cấp xã, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP tách riêng mức lương đối với cán bộ đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn và cán bộ chưa qua đào tạo.
Cụ thể, cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo hệ số lương từ 1,75 - 2,35 (bậc 1). Nếu có thời gian hưởng lương bậc 1 là 5 năm, hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì được xếp lương lên bậc 2 với hệ số lương từ 2,25 - 2,85 (tùy theo chức vụ đảm nhiệm).
Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính; ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương tối thiểu chung từ 0,15 - 0,3 (tùy theo chức vụ) và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/10/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo quy định mới này, mức lương đối với cán bộ xã sẽ cao hơn trước (theo Nghị định cũ, hệ số lương từ 1,7 - 2,0).
Trường hợp cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm và không phải đóng BHXH, BHYT (trước đây, chỉ được hưởng 40% lương chức danh)...
Đối với công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.
Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu chung (quy định cũ là 1,09).
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP cũng quy định rõ, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP./.
Thành Công