Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

27/10/2009
Ngày 21/10/2009, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 91/2009/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo quy định tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, đối tượng cấp giấy phép là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm có: giấy đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu); bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đỗ xe hoặc hợp đồng thuê đất đỗ xe, văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải; phương án kinh doanh; danh sách xe kèm theo bản phô tô giấy đăng ký xe, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; hợp đồng và bản nghiệm thu việc gắn thiết bị giám sát hành trình của xe. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có giá trị trong thời hạn 07 năm.

Để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện chung sau đây: đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định; lộ trình cụ thể để gắn thiết bị giám sát hành trình, đến ngày 01/7/2011: đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô vận tải hành hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình; đến ngày 01/01/2012: đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình và thời hạn cuối cùng là ngày 01/7/2012, cho tất cả các xe ô tô kinh doanh các loại hình nói trên đều phải được gắn thiết bị này; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh; người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp phải có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và đã tham gia công tác quản lý vận tải tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 03 năm trở lên; bố trí đủ diện tích đỗ xe theo phương án kinh doanh. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các điều kiện cụ thể đối với từng hình thức kinh doanh khác nhau mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đáp ứng (vận tải hành khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt, bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ...).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2009 và thay thế Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các đơn vị đang kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy phép xong trước ngày 01/7/2010.

Yêu cầu về niên hạn sử dụng với một số loại xe:

Xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, chạy cự ly trên 300km: Không quá 15 năm với ô tô sản xuất để chở khách, không quá 12 năm với các ô tô chuyển đổi công năng thành ô tô chở khách trước ngày 01/01/2002.

Xe khách trên 10 chỗ ngồi, chạy cự ly từ 300km trở xuống; xe buýt và xe hợp đồng: Các con số tương ứng là 20 năm và 17 năm.

Xe taxi: Không quá 12 năm.

Xe du lịch: Không quá 10 năm./.

Thành Công