Hướng dẫn chi tiết về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động

03/06/2008
Ngày 30/5/2008, Bộ Lao động, thương binh & xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn chi tiết Nghị định số 11/2008/NĐ-CP ngày 30/01/2008 về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Theo đó, Thông tư này quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại và hình thức bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân tham gia đình công gây thiệt hại cho người sử dụng lao động trong trường hợp cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp. Thông tư này không áp dụng với việc bồi thường thiệt hại về tài sản của người lợi dụng cuộc đình công (dù cuộc đình công đó là hợp pháp hay bất hợp pháp) cố ý xâm phạm tài sản của doanh nghiệp, việc bồi thường này được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Đối tượng áp dụng của Thông tư:

Tổ chức, cá nhân đã lãnh đạo hoặc tham gia hoặc tham gia cuộc đình công bất hợp pháp bao gồm: Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời ; đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với liên đoàn lao động cấp huyện hoặc tương đương; Người lao động.

Người sử dụng lao động bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. công ty nhà nước trong thời gian chuyển đổi theo quy định của Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã; tổ chức, đơn vị, cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động.

Quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường

Trường hợp cuộc đình công do tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại; trường hợp cuộc đình công do đại diện tập thể lao động lãnh đạo bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì những người được cử làm đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công phải chịu trách nhiệm cá nhân theo phần trong việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Xác định thiệt hại để bồi thường

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra bao gồm: Giá trị máy móc, thiết bị bị hỏng phải thay thế; nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh bị hư, hỏng không sử dụng được....; chi phí vận hành máy móc, thiết bị trong thời gian đình công diễn ra để tránh bị hỏng ....

Nguyên tắc xác định giá bồi thường thiệt hại là giá thị trường tại thời điểm xảy ra đình công bất hợp pháp; riêng đối với tài sản cố định bị hỏng do ngừng vận hành, phải thay thế, sửa chữa thì giá bồi thường thiệt hại được xác định căn cứ vào nguyên giá tài sản cố định, mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành và giá trị thu hồi do thanh lý (nếu có). Nếu hai bên không nhất trí về giá trị thiệt hại thì có quyền yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại. Chi phí xác định giá trị thiệt hại do bên yêu cầu thanh toán.

 Mức bồi thường thiệt hại

Mức bồi thường thiệt hại do hai bên thoả thuận trên cơ sở giá trị thiệt hại đã được xác định nhưng tối đa không vượt quá ba (03) tháng tiền lương, tiền công liền kề trước ngày đình công diễn ra theo hợp đồng lao động của những người lao động tham gia cuộc đình công. Tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động là tiền lương, tiền công làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định về trình tự, thủ tục chủ sử dụng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại; thương lượng bồi thường thiệt hại tại doanh nghiệp; kinh phí để thực hiện việc bồi thường.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./.

Nguyễn Đình Thơ