Thực hiện chủ trương đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời gian vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đầy đủ và thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Trên thực tế, các doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác được thành lập ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về quy mô và hình thức hoạt động. Kết quả hoạt động của lực lượng doanh nhân này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt yếu kém, trong đó có việc thực hiện pháp luật. Sự yếu kém trong việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp là do những nguyên nhân từ hai phía gây ra: phía doanh nghiệp và phía Nhà nước.
Về phía doanh nghiệp, có những nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Hai là, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc sử dụng tư vấn pháp luật; hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp về vấn đề này cũng còn nhiều bất cập. Ba là, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật.
Về phía Nhà nước, việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp khó một phần cũng do một số nguyên nhân từ phía Nhà nước, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu là: Một là, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp; Hai là, nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định pháp luật và và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời, do đó cũng làm cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Những nguyên nhân từ hai phía trên đây đã làm cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đối với doanh nghiệp, cùng với những hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, thị trường..., việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã thấp lại càng thấp hơn gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, ngày 28 tháng 5 năm 2006, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thiết lập cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để hướng dẫn Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác tổ chức thi hành pháp luật đối với doanh nghiệp. Nghị định quy định cụ thể hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Nội dung Nghị định gồm những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định.
Nghị định quy định về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định; nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong hoạt động hỗ trợ pháp lý; nghĩa vụ của doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Về phạm vi các chủ thể có trách nhiệm hỗ trợ, Nghị định quy định trách nhiệm của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh mà không quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Về phạm vi các chủ thể được hưởng sự hỗ trợ pháp lý, Nghị định quy định áp dụng cho cả doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp.
Thứ hai, về nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định quy định theo hướng hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động; hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ; hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữ cơ quan Nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.
Nghị định xác định trách nhiệm của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Nghị định cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ, trong đó có quy định về khuyến khích doanh nghiệp sử dụng pháp chế doanh nghiệp và việc chủ động, phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.
Thứ ba, các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định quy định các hình thức, biện pháp và nội dung hỗ trợ pháp lý mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các hình thức đó bao gồm:
Hình thức thứ nhất, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Nghị định quy định các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý (các Bộ) hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương ban hành (Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử được quy định nêu trên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật văn bản đó.
Hình thức hỗ trợ này sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin pháp lý, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành do các ngành và địa phương ban hành. Đồng thời, quy định này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Hình thức thứ hai, xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
Để bảo đảm việc phổ biến kịp thời các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Nghị định quy định các Bộ biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.
Hình thức thứ ba, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, Nghị định quy định các Bộ tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.
Hình thức thứ tư, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
Pháp luật hiện hành quy định việc hướng dẫn thực hiện pháp luật là chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Để tổ chức thực thi pháp luật, trong thẩm quyền của mình, các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị định ... . Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng do thực tiễn sản xuất - kinh doanh là sinh động, thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề mới mà chưa có pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, pháp luật nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính cụ thể, đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn nên đã gây ra cho doanh nghiệp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và thực thi pháp luật. Vì vậy trên thực tế, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu được giải đáp pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu này của doanh nghiệp, Nghị định quy định trách nhiệm, phạm vi giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc trong việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện trong thời hạn quy định (15 đến 30 ngày làm việc), dưới các hình thức khác nhau như bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Hình thức thứ năm, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật
Việc tiếp nhận, tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong thời gian vừa qua nhưng kết quả còn hạn chế. Công tác tiếp nhận, tổng hợp này chưa được thực hiện đều khắp ở tất cả các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cũng chưa được thực hiện toàn diện đối với các quy định pháp luật về kinh tế, thương mại. Còn có tình trạng kiến nghị của doanh nghiệp chưa đến được các địa chỉ cần thiết để kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bất cập này, một mặt gây bức xúc trong giới doanh nghiệp, trong xã hội, mặt khác không kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của quan hệ kinh doanh, thương mại.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định giao cho các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý cho Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hình thức thứ sáu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Tại Việt Nam hiện nay có trên 98 % doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật, nhất là các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong điều kiện đó, để doanh nghiệp đứng vững và hội nhập hiệu quả, biện pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các đạo luật sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên như thông tin pháp lý; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn khó khăn.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để thiết lập cơ chế hiệu quả về hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp và bảo đảm tính khả thi của Nghị định, Nghị định đã quy định các vấn đề về tổ chức, cán bộ và tài chính phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Quy định kinh phí phục vụ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp vào kinh phí chi thường xuyên của từng cơ quan. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nguồn kinh phí thực hiện chương trình được sử dụng từ ngân sách nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Về tổ chức thực hiện, Nghị định xác định Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Tổ chức pháp chế thuộc các Bộ và Sở Tư pháp thuộc các tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp.
Trần Minh Sơn