Một số điểm mới trong Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ Tư pháp

23/05/2008
Thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2008 về kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Bộ đã tiến hành xây dựng Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Văn phòng (Quy chế mới). Giữa tháng 5/2008, Văn phòng đã tổ chức cuộc họp liên tịch để góp ý Dự thảo Quy chế mới (Dự thảo 1), với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đại diện các tổ chức Đảng, đoàn thể ở Văn phòng.

        Tại cuộc họp, lãnh đạo Phòng Tổng hợp (đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo) đã trình bày những vấn đề cơ bản của Dự thảo Quy chế như: sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Quy chế mới; quan điểm xây dựng và những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Quy chế so với Quy chế hiện hành; bố cục của Dự thảo Quy chế, v.v...

          Qua trình bày của đơn vị soạn thảo và các ý kiến thảo luận tại cuộc họp cho thấy, Quy chế hiện hành về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ Tư pháp (ban hành năm 1994) cơ bản không còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng hiện nay; nhiều vấn đề về tổ chức, hoạt động của Văn phòng chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, thời gian gần đây Nhà nước đã ban hành nhiều quy định mới về công tác văn phòng, đòi hỏi cơ cấu tổ chức, hoạt động của các tổ chức văn phòng phải được thay đổi cho phù hợp. Một diễn biến quan trọng khác là dự kiến trong tháng 5/2008, Nghị định của Chính Phủ thay thế Nghị định 62/2003/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp sẽ được ban hành; theo đó, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ sẽ có nhiều thay đổi. Bởi vậy, việc xây dựng Quy chế mới về tổ chức và hoạt động của Văn phòng thay thế Quy chế hiện hành là rất cần thiết và phải khẩn trương.

          Từ việc nghiên cứu, tham khảo cách thức tổ chức, hoạt động văn phòng của nhiều bộ, ngành, đồng thời kế thừa và phát triển những yếu tố hợp lý trong Quy chế năm 1994, Dự thảo quy chế mới được xây dựng trên tinh thần cụ thể hoá các văn bản, chính sách mới của Nhà nước liên quan đến công tác văn phòng; có tính đến sự phù hợp với các quy chế hoạt động hiện hành của Bộ Tư pháp cũng như sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian tới. Dự thảo 1 Quy chế gồm 5 chương, 27 điều: Chương I quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng (Điều 1 đến  Điều 11); Chương II quy định nhiệm vụ, quyền hạn của công chức và người lao động thuộc Văn phòng (Điều 12 đến  Điều 16); Chương III quy định nguyên tắc và lề lối làm việc (Điều 17 đến Điều 19); Chương IV quy định Chế độ hội họp (Điều 20 đến Điều 23); Chương V quy định về quan hệ công tác giữa Văn phòng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp (Điều 24 đến  Điều 27).

          Nội dung Dự thảo Quy chế thể hiện nhiều điểm mới cả về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ. Những thay đổi cơ bản về tổ chức bao gồm: không thành lập bộ phận thường trực của Văn phòng Bộ tại phía Nam (Văn phòng II)[1]; quy định Ban Thư ký giúp việc Lãnh đạo Bộ trực thuộc Văn phòng[2]; thành lập mới Phòng Thống kê tư pháp thực hiện chức năng giúp Chánh Văn phòng tổ chức thực hiện công tác thống kê tư pháp; bổ sung chức năng và thay đổi tên gọi của Phòng Hành chính, theo đó phòng này có thêm chức năng giúp Chánh Văn phòng "quản lý công tác tuyển dụng, sử dụng công chức và người lao động thuộc Văn phòng ” và có tên gọi mới là Phòng Tổ chức - Hành chính; sáp nhập bộ phận Văn thư thuộc Phòng Hành chính vào Phòng Lưu trữ và đổi tên phòng này thành Phòng Văn thư - Lưu trữ.  

          Về hoạt động của Văn phòng Bộ, Quy chế mới quy định bổ sung một số nhiệm vụ đang được thực hiện bởi Văn phòng nhưng chưa có quy định cụ thể trong Quy chế hiện hành; quy định rõ lề lối làm việc của lãnh đạo Văn phòng, các Trưởng, Phó phòng; chế độ hội họp trong Văn phòng; mối quan hệ công tác của Văn phòng với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Bộ, giữa Chánh Văn phòng với Đảng uỷ bộ phận và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể thuộc Văn phòng, v.v...

          Đa số các ý kiến tại cuộc họp tán thành quan điểm xây dựng và nội dung cơ bản của Dự thảo 1 Quy chế. Tuy nhiên còn một số nội dung, nhất là những quy định mới về cơ cấu tổ chức của Văn phòng cần được nghiên cứu thêm, cân nhắc thận trọng trước trước khi lấy ý kiến góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Quy chế và trình cấp có thầm quyền theo quy định.

Phòng Tổng hợp

      Văn Phòng Bộ Tư pháp


[1] Theo tinh thần của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 62/2003/NĐ-CP năm 2003, Văn phòng II thuộc Văn phòng Bộ sẽ được tổ chức lại, thực hiện chức năng bộ phận thường trực của Bộ Tư pháp tại phía Nam (đơn vị thuộc Bộ);

[2] Cụ thể hoá Quyết định số 1826/QĐ-BTP  ngày 08/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban Thư ký giúp việc Lãnh đạo Bộ.